Đối diện

Truyện - Ngày đăng : 08:30, 28/06/2022

Đối diện
Minh họa của Lê Huy Quang

 - Cháu mang bài về, nghiên cứu kĩ rồi đem lại cho chú. Bài viết này chú thấy chưa hợp lí. Nếu như để công an điều tra vào cuộc, chú e… chúng ta phải làm nhiều bước nữa đấy. Sẵn sàng thì tiếp tục nhé!
Chú Minh cầm tập bài viết đưa lại cho Thy. Cô ngại ngùng đỡ lấy. Đây là lần thứ ba, loạt bài phóng sự của mình bị Tổng biên tập kêu lên để trả lại. Cô không hiểu lý do. Chỉ thấy mọi thứ bắt đầu rối tung lên sau chuyến đi thực tế tại vùng miền núi Lào Cai. Cô tập hợp nhóm phóng viên cùng đi với mình, tìm ra phương án khả thi nhất để loạt bài được lên trang. Nhưng dường như cả nhóm đang rơi vào bế tắc vì không được sự chấp thuận của Tổng biên tập. 
Ngày thứ năm trở về sau chuyến công tác, Thy ngồi kiểm tra lại máy ảnh, thống kê những loạt ảnh có chất lượng để lên bài đồng thời suy nghĩ xem vấn đề mấu chốt trong loạt phóng sự là gì mà đã hai lần bị từ chối. Cô không nghĩ bao công sức nhóm bỏ ra bây giờ thành công cốc. Như một dự cảm chẳng lành, trước khi loạt bài viết được chỉnh sửa chỉn chu, cô có tham khảo ý kiến của ba mình, một cựu phóng viên của báo. Ba bảo, loạt bài khá hay, nhưng nó là đòn mạnh giáng xuống một số bộ phận không nhỏ. Con nên cân nhắc điều đó. Tuổi trẻ, sự bồng bột cũng như hiếu thắng trong công việc đã khiến Thy không mấy để ý đến lời của ba. Cho đến hôm nay thì mọi sự đã biến giấc mơ trở thành một phóng viên giỏi của cô phần nào mờ nhạt. Cô đang đứng giữa ngưỡng cửa của sự phân vân, lẽ nào… con đường cô chọn đang có bước gập ghềnh. 
Nói đến Tổng biên tập báo mình, từ ngày nhận công việc tại tòa soạn Thy được nhận sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp rất nhiều, tuy nhiên việc gặp gỡ chú Tổng biên tập thì khá thưa thớt. Một phần chủ yếu do Thy không có mặt thường xuyên tại tòa soạn, một phần nữa là lúc họp triển khai công tác quan trọng cô và một số đồng nghiệp mới được gặp chú. Chú là một người đàn ông cao, gầy, mái tóc đã hoa râm, giọng nói trầm ấm. Mỗi lần nghe giọng nói ấy, Thy đã có cảm giác nó có một sức nặng ghê gớm, uy lực và đầy sức thuyết phục. Hồi nhận công việc đầu tiên tại tòa soạn, Thy ngồi bàn máy, cũng chẳng được giao nhiệm vụ là mấy. Với cái chân đi như cô, những ngày tháng ngồi trên ghế văn phòng thật bức bối. Cho đến khi chính chú Tổng biên tập là người giao nhiệm vụ khó khăn đầu tiên cho Thy. Một phóng sự về những người dân đang lao động tại khu mỏ than, tìm hiểu về mức lương, cuộc sống, cũng như một số vấn đề bất cập đang diễn ra thời gian gần đó. Trong loạt bài, Thy cùng một số phóng viên nam đã đến vùng mỏ, xin phép được vào khu khai thác để phỏng vấn công nhân, kĩ sư. Đồng thời có thời gian sinh hoạt tại địa phương để tìm hiểu kỹ hơn. Bằng những kiến thức cơ bản được học trên ghế nhà trường và những tài liệu thu thập được, loạt bài đầu tiên sau bao ngày nhận nhiệm vụ phóng viên, lên trang đầu đầy kiêu hãnh với những hình ảnh chân thực sống động. Thy nhớ đợt đó, cầm tờ báo còn thơm mùi mực in, chú Tổng biên tập chỉ nói với Thy một câu:
- Phát huy cháu nhé!
Đó là niềm an ủi động viên lớn lao để cô tiếp tục hành trình của một phóng viên đầy gian nan vất vả.
Hôm nay trở về ngôi nhà trọ, cô thảng thốt giật mình. Cửa đã bị giật bung từ lúc nào. Một mùi hôi thối đặc trưng của mắm tôm bay ra. Cô bụm miệng, suýt nôn ngay tại chỗ. Cô chủ nhà vội vàng chạy sang:
- Cháu coi thế nào chứ sáng nay cháu vừa đi là tụi nó có một băng, hình như năm sáu đứa đi xe Honda, thủ sẵn đồ bẩn rồi ném vô. Nó còn hăm dọa, cô sợ quá, sáng giờ đâu dám qua bên đó đâu. Liệu cháu có gây thù chuốc oán với ai không?
Thy ngạc nhiên:
- Dạ cháu không, cháu có làm gì liên lụy tới ai đâu ạ!
Trả lời bác chủ nhà trong mệt mỏi, Thy dựng xe, lại cắm cúi vào dọn dẹp mớ hỗn độn trong suy nghĩ miên man. Thy nghĩ đến loạt bài của mình, vậy chắc chắn đã có ảnh hưởng tới ai đó và hôm nay chúng đã cho đàn em tới tận nơi ở của Thy để kiếm chuyện. Đang dọn dẹp dở dang, cô vội vàng chạy vào nhà, bật đèn, ôm tập bài của mình ra đọc lại từ đầu. Loạt bài phản ánh về tình trạng chặt phá rừng ở khu vực X, một địa điểm vùng cao, huyện K, nổi cộm về nạn chặt phá rừng. Nhiệm vụ của Thy là phản ánh thực trạng chặt phá rừng ở nơi đây và có loạt bài đánh động tới cơ quan chức năng liên quan. Xem ra tình hình có vẻ căng thẳng, cô xếp tập tài liệu sau khi đã nghiên cứu kĩ, điện thoại trực tiếp cho chú Tổng biên tập, xin phép lên vùng núi một lần nữa.
Vùng núi khu vực X, những ngày hè nóng bỏng. Thy ngồi nghỉ mát dưới gốc cây. Xa xa, có lũ trẻ con vùng cao được nghỉ hè đang trêu đùa nhau, phía trước bầy trâu đang thủng thẳng gặm cỏ. Không khí vùng núi yên bình. Cô đang tính vào trọ một nhà dân quanh đó, tìm hiểu lại tình hình. Nhưng trong đám cây rậm rạp trước mặt, cô thấy loáng thoáng bóng năm sáu người đàn ông vụt qua, mất hút trong đám bụi rậm. Cô cứ ngỡ là những người trên bản đi hái củi. Nhưng linh cảm của một người làm nghề, cô ráng ngồi lại, theo dõi tình hình. Một chốc, bỗng có tiếng cưa máy vang lên, rồi cảnh tượng bất ngờ trước mắt khiến Thy không thể bước đi được. Phía những người đàn ông vừa chui vào lúc nãy, một cây cổ thụ đang nghiêng dần. Một thằng bé chăn trâu ngay cạnh đó, ngẩn ngơ nhìn... Thy đứng phía bên này, gào lên trong tuyệt vọng:
- Né nhanh đi con ơi, cây đổ, cây đổ kìa.
Nhưng dường như tiếng thét của Thy không kịp nữa. Chỉ trong chớp mắt, cây cổ thụ nằm rạp xuống. Thằng nhóc cũng biến mất trong đám cây đó, không một tiếng kêu la. Thy bỏ hết đồ tác nghiệp xuống, chạy băng băng qua mỏm đá, về phía cái cây vừa đổ. Lũ nhỏ chăn trâu cũng xúm xít lại. Lúc này, thằng bé đã bị vùi trong mớ lá rậm rì của cây, tiếng nó thều thào:
- Cứu… cứu… em với!
Thy nhoài người tới, lục lọi trong đám lá. Thằng bé bị cành cây đập ngay vào tay, chắc chắn là nó đã bị gãy tay, đầu xước xáp, máu chảy rỉ ra. Thy thấy tim mình run lên bần bật. Máu nóng dồn tận óc. Cô hô hào những đứa trẻ xúm lại đưa thằng nhóc đi trạm y tế.
Khi mọi thứ dường như đã ổn hơn một chút, Thy manh dạn điện thoại về tòa soạn:
- Chú cho phép cháu lên bài đi chú, tình trạng này cần công an vào cuộc nhanh chóng chú ơi!
Giọng chú Tổng biên tập nhẹ nhàng:
- Được, chú sẽ cho lên loạt bài. Nhưng cháu nên cẩn thận nhé. Chuẩn bị đồ đạc và về tòa soạn luôn đi nhé, chú sẽ chỉ cho cháu chỉnh sửa nốt nội dung còn lại.
***
Chuyến xe trở về đầy chông gai. Lúc này Thy mới bắt đầu cảm nhận những khó khăn thực sự mà một phóng viên điều tra phải trải qua. Khi xe khách đang chầm chậm vượt đèo thì một tên cao lớn từ đầu xe đi lọ mọ xuống. Nó bịt mặt kín mít, nhìn Thy với ánh mắt sắc lẹm. Cô hơi chột dạ, nghĩ tới tình huống xấu. Nhưng trong xe lúc này cũng khá đông đúc. Thy đột nhiên nôn ọe, làm cho tiếng của mình lớn lên.
- Anh tài ơi, em xin chiếc bọc, em say xe quá!
Phụ xe đang đứng trước cửa, vội vàng chạy xuống. Thy nắm lấy áo anh ấy, thì thào:
- Giúp em nhé, tên kia đang có ý dọa dẫm em.
Như một phản xạ tự nhiên của người đi đường từng trải, anh phụ xe kéo cô lên phía trên, chỉ cho cô chỗ ngồi gần tài xế. Chuyến xe lăn bánh đều đều. Tên cao lớn chừng không thể manh động được, một lúc sau hắn chủ động xin xuống xe giữa đường. Trên cung đường thăm thẳm, Thy thấy đồng bọn của hắn quẹo xe máy, chờ sẵn ở phía dưới. Ánh đèn vàng vọt lướt qua những đám cây rậm rì, tiếng xe lẩn khuất. Lúc này Thy mới bớt sợ, nhẹ nhõm ngả lưng một chút, chờ về tới tòa soạn.
***
Đón Thy ở tòa soạn, nụ cười chú Tổng biên tập hiền hậu:
- Thế nào phóng viên? Cháu có thể tiếp tục hành trình này chứ?
Đặt những đồ nghề xuống bên cạnh sofa, Thy nhìn chú đầy nghi ngờ:
- Chú biết những tình huống cháu sẽ gặp phải, đúng không ạ?
Chú lại cười:
- Biết chứ. Nhưng chú không thể bảo bọc cháu được. Đó là công việc cần phải làm của một phóng viên điều tra, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan đến nhiều bộ phận cán bộ khác. Loạt bài của cháu, chú đánh giá có chất lượng tốt, chịu khó đầu tư, tìm tòi và học hỏi, biết những khía cạnh bất cập như thế nào để khai thác, đầu tư cho bài viết. Chú không có ý định ngưng phát hành loạt bài đó, nhưng chú muốn cháu thực sự hiểu, những vấn đề, đề tài mình đưa vào bài viết đã đủ sức nặng, sức răn đe và một bài học hay chưa, để khi người đọc cầm lên, đọc xong đều phải ồ lên, phải để công an vào cuộc mới được. Đó là khi người dân ý thức được việc họ cũng chính là thành viên tham gia vào công cuộc giữ gìn, bảo vệ chính cuộc sống của mình. Ngòi bút của cháu làm chú liên tưởng đến ba cháu đấy.
- Dạ, nhà báo Trần Thanh ạ?
- Đúng, đó là người bạn sắc sảo, dám lăn xả, sẵn sàng dùng ngòi bút để làm sáng tỏ những góc khuất của đời sống, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người dân.
Thy lặng lẽ cúi đầu. Bởi so với những gì ba cô đã làm, đã để lại, thì Thy chưa thấm tháp vào đâu. Cô đang từng ngày học hỏi kiến thức đã được trải qua trên ghế nhà trường và tham khảo người cựu phóng viên thân cận nhất đó là ba để được học hỏi những kiến thức, bài học về cách trở thành một phóng viên thực thụ. Ngày Thy đậu vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cô thấy ba cười gượng. Vì cô biết những khó khăn vất vả mà ba đã phải trải qua trong suốt thời gian làm báo, không thể nào kể xiết được. Vì vậy, ông cũng không muốn cô phải đi theo bước chân của mình, đến những nơi sóng gió, nhất là khi cô lại là con gái. Bao lo toan hằn lên đôi mắt ba. Nhưng có lẽ sống trong gia đình truyền thống, Thy đã học hỏi được ở ba nhiều điều, máu làm phóng viên cứ in đậm sâu trong đầu  cô gái ấy. Những bài viết nhỏ được lên trang khi cô vừa học tới lớp bảy, lớp tám. Câu văn ngây thơ hồn nhiên, rồi đến những bài sâu sắc hơn, trải qua bao thời gian, cô được rèn giũa nhiều thêm về kiến thức từ ba.
***
Loạt phóng sự điều tra “Rừng là nguồn cội” được lên trang. Nhóm phóng viên của Thy được tòa soạn cử đi thực tế một lần nữa, phục vụ công tác điều tra cùng công an, hỗ trợ tóm gọn những tên lâm tặc ngày đêm rình mò chặt phá rừng. Ròng rã hơn hai tháng trời, cuối cùng chuyên án cũng kết thúc. Ngày cầm tờ báo trên tay, Thy nghẹn ngào không kể xiết. Cô cầm máy điện thoại về cho ba:
- Con đã thực hiện được phóng sự đầu tiên, dài kì thành công rồi đấy ba ơi!
Giọng ba hồ hởi:
- Mừng con gái, cho những ngày tháng 6 thêm hân hoan con nhé!
Thy ôm tờ báo của tòa soạn mình vào lòng, thấy ấm áp đến lạ. Cô biết hành trình phía trước còn dài và gian lao, nhưng với tinh thần của một chiến binh thực thụ, cô tin trong cuộc đấu tranh phòng chống cái ác, bảo vệ cuộc sống bình an cho người dân, cô sẽ từng bước làm được.
Ngoài kia nắng tháng sáu bớt gay gắt hơn, hiền dịu bởi nụ cười của chú Tổng biên tập đáng kính!. 

Truyện ngắn của Ngô Nữ Thùy Linh