Đình Yên Mỹ (huyện Gia Lâm)
Đình Yên Mỹ nằm ngay ở giữa thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Tên gọi của đình là tên gọi theo địa danh làng, ngoài ra đình còn có tên gọi là đình làng Đầu ( theo tên nôm của làng).
Theo các nguồn tư liệu hiện còn thì đình Yên Mỹ thờ thành hoàng làng là Quảng Độ đại vương, người có nhiều công lao, ân đức đối với nhân dân địa phương. Sự tích và lai lịch của thần được tóm lược như sau: Ngài sinh ngày 13 tháng ba năm Nhâm Dần và hoá ngày 12 tháng 10. Thần là người có công dạy dân văn tự, lễ nghĩa nên thời nhà Hán phong cho ngài là Liệt Hầu công. Sau đó ngài đến trại Thuần Khang (tức thôn Yên Mỹ ngày nay) thấy nơi đất đẹp, sơn thuỷ hữu tình nên ngài ở đây mở trường dạy học được một năm, sau có giặc làm loạn, vua phong cho ngài làm Bản Châu Thái Thú để đi bình giặc. Lúc đó ngài chọn 35 trai tráng tại trại Thuần Khang làm gia thần thủ túc, viết hịch đưa đến các quận, phủ. Chỉ trong một ngày khiến quân phản loạn phải lui. Khải hoàn trở về, ngài mổ lợn, bò khao quân lính và tế thiên địa, bái yết thành hoàng bản trại, dạy dân lấy đức vọng, dân thấy vậy bèn xin ngài lấy chỗ ngài dạy học xây đình thờ. Đêm ấy, ngài nằm mộng thấy người con gái báo mộng đi từ phía đằng bắc bản trại xưng là thầu nữ Hoàng Nga thờ ở miếu báo cho ngài biết quân nhà Hán đến vây đức thần bản trại rồi biến mất. Tỉnh dậy đến Nam Linh quả nhiên thấy quân Hán đang vây bản trại thật. Ngài vào trong gọi quân lính đến và nói: “Lòng người đều giúp ta, quân tướng hãy cố sức đánh quân nhà Hán”. Chỉ một trận đã thắng được quân giặc, sau đó ngài cưỡi ngựa về châu - phủ và bảo gia thần trại Thuần Mỹ rằng: “Ở làng có thần nữ rất thiêng, ngày sau có trọng gì mạnh thì phải phụng nghênh thần nữ về cùng phối hưởng”. Mấy ngày sau thì ngài hoá, nhân dân sợ hãi bèn làm biểu dâng vua, vua ban sắc cho thần làm phúc thần, cho dân phủ lập miếu thờ. Trải qua các thời đại phong kiến, thần đều được các triều đình ban tặng sắc phong để biểu dương công tích.
Ngoài chức năng là một di tích tín ngưỡng truyền thống của người Việt, ngôi đình còn là nơi ghi dấu những sự kiện cách mạng trọng đại của địa phương. Năm 1941, cán bộ Việt minh Nguyễn Đức Quỳ đã tổ chức buổi nói chuyện tại đình làng Yên Mỹ nhằm tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng đến tới mọi quần chúng nhân dân.
Hiện nay chưa tìm thấy nguồn tư liệu ghi chép chính xác, cụ thể về niên đại khởi dựng của di tích. Trong thời gian chiến tranh, di tích đã bị đốt cháy, các di vật của đình phần bị đốt cháy, phần bị thất lạc khá nhiều. Theo các cụ trong làng kể lại thì đình được khởi dựng từ thời Lê và được trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn.
Kiến trúc đình Yên Mỹ hiện nay là kết quả của những lần trùng tu vào những năm 1995, 1996, 1999.
Đình Yên Mỹ được xây trên một khu đất rộng, thoáng. Xưa kia đình gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, tạo thành một tổng thể kiến trúc khép kín, hoàn chỉnh theo lối kiến trúc chữ “công” gồm có Tam quan, sân đình Thượng, đình Hạ, toà ống muống nối giữa đình Thượng và đình Hạ. Đình Hạ không còn. Kiến trúc của đình Yên Mỹ ngày nay chính là đình Thượng bao gồm: Tam quan ngoài, Tam quan trọng, sân, Phương đình, Đại đình và Hậu cung.
Hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng ba âm lịch, đình Yên Mỹ lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao, ân đức của vị thành hoàng làng. Ngày 19 tháng 3 năm 2006, đình Yên Mỹ đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02