Đình Yên Bình (huyện Gia Lâm)
Đình Yên Bình còn được gọi là Đình An Bình hay đình Bằng thuộc thôn Yên Bình, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Nằm trên địa bàn sinh tụ chính của người Việt cổ thời dựng nước, vùng quê Dương Xá có lịch sử tồn tại và phát triển từ rất lâu đời. Cách đình không xa lắm, năm 1987, Sở Văn hoá và Thông tin Hà Nội và Viện Khảo cổ đã tổ chức khai quật khu di tích khảo cổ Dương Xá cách đây khoảng 3000 năm, chứng tỏ nơi đây đã có một quá trình định cư và phát triển mấy nghìn năm lịch sử. Hiện nay, không có nguồn tư liệu thành văn nào ghi lại niên đại xây dựng hay quá trình vận hành của di tích. Di vật có niên đại sớm nhất hiện còn lưu tại đình là đạo sắc phong cho thần thờ có niên đại Quang Trung năm thứ 5 (1792) và một hương án có nghệ thuật thế kỷ XVIII. Từ cơ sở tư liệu trên, có thể xác định chắc chắn rằng đình Yên Bình có niên đại khởi dựng muộn nhất vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVII- XVIII). Hiện trạng ngôi đình cho biết đình được tu sửa lớn vào thời Nguyễn.
Đình Yên Bình được xây dựng để thờ thần Lý Khuê, tự là Lý Giang - một trong 12 sứ quân thời loạn Thập nhị sứ quân cát cứ ở Siêu Loại (tức Dương Xá - Gia Lâm). Do thời gian và những biến động xã hội nên thần phả của đình đã bị thất lạc. Thân thế, công tích và sự nghiệp của Lý Khuê và những đóng góp của ông với mảnh đất Dương Xá chưa được sưu tầm đầy đủ. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên viết về ông như sau: “Ở ngôi chỉ được 6 năm, Ngô Quyền mất năm 944, truyền ngôi cho con trưởng là Dương Ngập - em vợ là Dương Tam Kha là phụ chính. Dương Tam Kha thừa cơ cướp lấy ngôi của cháu, tự xưng là Bình Vương. Dương Ngập phải trốn về vùng Nam Sách, tìm đến nương nhờ người tôi trung của cha là Phạm Lệnh Công tại Trà Hương. Trong hoàn cảnh thấy Dương Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, triều đình bê bối, nhiều cựu thần của nhà Ngô và các hào trưởng địa phương đã tiếp nhau nổi lên cát cứ, chiếm giữ đất đai, gây thành cuộc loạn Thập nhị sứ quân. Lý Khuê lúc bấy giờ tự xưng là Lý Lãng Công cũng nổi lên chiếm giữ vùng Siêu Loại - phủ Thuận Thành, Bắc Ninh. Ông vốn là một bậc hào trưởng văn võ song toàn, có đức độ được nhân dân mến mộ, tin tưởng. Vì chán ghét cảnh vua tôi chèn ép, rối ren, vốn trung thành với nhà Ngô nên để phản đối sự cướp ngôi của Dương Tam Kha, Lý Lãng Công đã triệu tập quân sĩ nổi lên cát cứ vùng đất Siêu Loại, ông trở thành một trong 12 sứ quân lúc bấy giờ. Sau đó Lý Lãng Công bị Đinh Tiên Hoàng thu phục. Nạn “Thập nhị sứ quân” chấm dứt khi Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi”. Theo sử cũ kể lại thì Lý Khuê chính là người làng Đại Trạch. Ngài đã được sắc phong là Ngô Thông Thượng đẳng phúc thần. Dân làng Yên Bình đã tôn Lý Lãng Công làm thành hoàng làng sau khi ông mất và thờ ở đình làng. Từ bấy đến giờ nhân dân nơi đây hưởng sự anh linh che chở của ngài.
Đình Yên Bình tọa lạc trên một mảnh đất cao rộng, thoáng mát trong khu vực cư trú của làng. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên một trục chính dọc từ ngoài vào trong gồm Nghi môn, Đại đình, ống muống và Hậu cung.
Lễ hội hàng năm của đình Yên Bình được chức trong 3 ngày, từ ngày mùng 9 đến ngày 11 tháng hai âm lịch.
Đình Yên Bình đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2003./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02