Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Xuân Dục (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 08/08/2023 14:52

Đình trước đây ở làng Xuân Ổ, tổng Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

dinh-xuan-duc.jpg
Đình Xuân Dục

Đình thờ 2 vị thần là Nam Phổ và Lý Tam Lang. Nam Phổ là một trong 50 người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ, đã theo cha là Lạc Long Quân xuống khai phá đồng bằng ở làng Xuân Ổ, trang Yên Thường. Vào năm 40 sau Công nguyên, khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã dừng chân nghỉ ở vùng Xuân Ổ, đêm nằm mộng thấy một người hiện lên xưng là thuỷ thần Nam Phổ muốn giúp Hai Bà dẹp giặc. Trận đó Hai Bà đã thắng. Sau khi lên ngôi, Hai Bà nhớ đến công ơn của Nam Phổ, đã cho dân làng Xuân Ô dựng đình thờ thần và phong cho là Tuyên Linh đại vương. Thần lý Tam Lang nguyên là vị quan phó chỉ huy sứ thời Lý, đã có công mộ hương binh và gia thần đi đánh Chiêm Thành ở phía Nam. Sau khi đánh thắng Chiêm Thành, ông được vua Lý ban lộc điền ở huyện Đông Ngàn nhưng ông xin về mở trường dạy học cho con em trong vùng. Khi ông mất, được dân chúng phụng thờ, được triều đình ban sắc phong là Thượng đẳng phúc thần.

Đình đã được xây dựng từ lâu, đến đời Lê Trung hưng, đã được triều đình sắc phong vào đời Cảnh Trị (1633 - 1671), đời Dương Đức (1672 - 1674), đời Chính Hoà (1680 - 1705). Đình đã được tu sửa nhiều lần, lần sửa chữa vào năm 1934 được ghi chép trên câu đầu và các chân tảng đá kê ở cột hiên. Đình được dựng trên một khu đất cao, rộng, phía trước có hồ vuông và hồ bán nguyệt. Đình quay mặt về hướng nam, gồm Đại đình, Nhà cầu và Hậu cung.

Đại đình là một toà nhà rộng có 4 mái với các góc đầu đao cong, đắp hình rồng quay đầu về nóc. Bờ nóc và bờ dải được đắp kiểu chữ “công”.

Hậu cung là một toà nhà 3 gian, xây kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Gian giữa Hậu cung có sàn gỗ cao 120cm để đặt long ngai, có chạm rồng chầu.

Nhìn chung, kiến trúc và điêu khắc của chùa mang phong cách thế kỷ XVIII và XIX. Đình còn lưu giữ được 33 đạo sắc phong của các đời Lê, Tây Sơn và Nguyễn, đạo sắc phong cổ nhất có niên hiệu Cảnh Trị (1633-1671).

Đình Xuân Dục đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)