Đình Vụ Bản (huyện Sóc Sơn)
Đình Vụ Bản thuộc địa phận xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Đình Vụ Bản là tên gọi theo địa danh thôn Vụ Bản thuộc xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn. Đình nằm về phía bắc thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 45km.
Đình Vụ Bản có khởi nguồn tạo dựng từ cuối thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại đình cho biết: Do được trùng tu nhiều lần nên ngôi đình mang dấu ấn của thời Nguyễn. Đình Vụ Bản phụng thờ hai vị phúc thần là Cao Sơn và Quý Minh thời Hùng Vương dựng nước. Cao Sơn và Quý Minh là hai anh em sinh đôi con ông Sùng Hoằng và bà Lê Thị Dụ. Hai ông đều văn võ song toàn lớn lên được vua Hùng tuyển chọn phong làm chỉ huy sứ. Khi quân Thục xâm lấn nước ta, Cao Sơn và Quý Minh làm tiền đạo tướng quân đem 50 đạo quân thuỷ bộ lên phòng ngự tại phía tây bắc lộ Thái Nguyên. Trên đường qua trang Thắng Trí, huyện Bình Tuyền, phủ Phú Bình, đạo Thái Nguyên, Quý Minh thấy trang Vụ Bản ở thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, non nước bao quanh, dân cư trù phú, phong tục thuần hậu, ông liền hạ lệnh dựng đồn sở tại đây rồi chọn hơn 30 trai tráng cho theo đi đánh giặc. Thắng trận trở về, ông được vua ban thưởng trở lại đồn trại tại trang Vụ Bản dạy dân giáo hoá, ban cho dân 30 hốt bạc để dựng đền thờ và lo việc đèn hương khi ông trăm tuổi. Ngày 16 tháng giêng ông hoá, nhà vua phong là Quý Minh Hiển Ứng đại vương Thượng đẳng thần cho dân trang Vụ Bản miễn phu phen tạp dịch để lo việc thờ phụng ông.
Đình Vụ Bản được xây dựng trong một không gian rộng giữa khu cư trú của làng. Đình có quy mô kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm: Đại bái và Hậu cung. Toà Đại bái 3 gian, 2 chái, xây kiểu tường hồi bít đốc, hai hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn, mái lợp ngói ta, các vì kèo đỡ mái làm kiểu “chồng rường giá chiêng”. Trang trí trên các rường, kẻ hình rồng mây, hoa lá, hoa chanh, rồng cuốn thuỷ. Toà Hậu cung nối liền với Đại bái gồm một gian, hai dĩ xây kiểu đầu hồi bít đốc, vì kèo kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”. Nền nhà lát gạch vuông. Hiện nay đình Vụ Bản còn bảo lưu bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: một cuốn thần tích chữ Hán do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn bản chính năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và Nguyễn Hiền sao y bản chính năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740), năm Thành Thái 4 (1892) sao lại; ba đạo sắc phong niên hiệu thời Nguyễn gồm sắc Đồng Khánh 2 (1887), Duy Tân 3 (1909), Khải Định 9 (1924). Hai cỗ ngai thờ, kiệu bát cống chạm rồng, hương án, hoành phi, câu đối được chạm khắc công phu đề tài tứ linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, 3 tấm bia hậu thời Nguyễn, trong đó có một tấm bia niên hiệu Thành Thái 11 (1899), một tấm bia niên hiệu Bảo Đại.
Hội đình Vụ Bản hàng năm tổ chức từ ngày 14 tháng giêng âm lịch với đủ các nghi thức tế thần trang nghiêm và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống...
Đình Vụ Bản đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02