Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình và đền Vũ Thạch (quận Hoàn Kiếm)

Sơn Dương (t/h) 07/08/2023 14:48

Đình và đền Vũ Thạch thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

tp-vu-thach-anh-1-576.jpg
Khu di tích đình - đền Vũ Thạch

Chỉ cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100m, tại số nhà 13 phố Bà Triệu là cụm di tích đình - đền - chùa Vũ Thạch. Chùa ở vị trí sâu trong ngõ chừng 50m. Đình và đền ở cùng khu vực có chung Tam quan, tiếp liền với hè, hướng tây, quay ra phố.

Theo chữ đề trên cửa giữa Tam quan và bức đại tự tại Tiền đường của ngôi đình thì đây là “Vũ Thạch linh từ” (đền thiêng Vũ Thạch). Vũ Thạch là tên làng cũ cùng với các làng Phúc Lâm, Phục Cổ, Hội Mỹ... thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành Kim Liên), huyện Thọ Xương, Hà thành.

Vị thành hoàng được thờ ở đình Vũ Thạch là Khoả Ba Sơn, một vị tướng của Hai Bà Trưng. Hiện ở đình còn lưu giữ được 8 đạo sắc thời Nguyễn ghi rõ công lao của ông. Theo cuốn “Thánh tích ngọc phả” cho biết: ông là người gốc châu Ái, làm tướng thời Hai Bà Trưng, được phong làm “Tiền đạo Ngô Lộ tướng quân” và “Tả tướng quân Sơn Lộ” đem quân phòng hai đạo Đông Bắc. Ông đã từng được Hai Bà Trưng cử đến đóng đồn ở ấp Hoa Động (nay là làng Xuân Đỗ, xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, Hà Nội) tiến đánh Tô Định giành được thắng lợi lớn.

Hai Bà Trưng lên ngôi, ông được tiếp tục trấn giữ khu vực này. Sau khi ông “hoá”, triều đình liền sai sứ thần đem sắc phong đến cho dân làng Hoa Động thờ cúng và các triều sau đều gia phong mỹ tự, hiện còn được thờ tại đình Xuân Đỗ Hạ. Như vậy, đình Vũ Thạch là nơi thờ tưởng niệm vị thần hoàng làng mà dân Xuân Đỗ khi lập trại đã dựng đình ở nơi làng mới. Hàng năm, dân làng Xuân Đỗ và Vũ Thạch vẫn cùng nhau tổ chức lễ cúng tế vào các ngày sinh (10 tháng hai) và ngày hoá (15 tháng mười) của Khoả Ba Sơn.

Đền Vũ Thạch sát liền với đình ở phía bên trái, là nơi thờ Mẫu Liễu Hạnh, một vị tiên thánh trong thần thoại được coi là một trong “Tứ bất tử” và được thờ theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta.

Về mặt kiến trúc, căn cứ vào những đặc điểm và văn bia có tại đền thì di tích có niên đại thời Nguyễn - có các lần tu sửa vào các năm: Tự Đức thứ 35 (1882), Thành Thái thứ 3 (1891), Khải Định thứ 9 (1924). Tuy vậy, nhiều đồ thờ, hiện vật có trong đình, đền thì lại cho biết niên đại vào thế kỷ XVIII hoặc giữa thế kỷ XIX.

Đáng chú ý ở đây là cách thờ, ở đình: “Tiền Thần hậu Phật” và ở đền: “Tiền Thánh hậu Phật”, mặc dù ngay gần đó đã có chùa Vũ Thạch của làng Vũ Thạch xưa, khá bề thế, khang trang. Hiện trong Hậu cung ngôi đình, tượng Thành hoàng ngồi trên ngai rồng, cao tới 1,5m, tay cầm kiếm, mặc áo gấm văn cầm, nét mặt oai nghiêm. Tiếp đó là nơi thờ Phật với các tượng Phật A Di Đà được đặt trên bệ khám ở lớp bệ sâu nhất, hai bên là Quan Âm và Đại Thế Chí, phía dưới là tượng Quan Âm kết ấn chuẩn đề ngồi trên đài sen cao gần 1m.

Việc thờ bên đền Mẫu cũng không phải đơn giản. Với 3 toà nhà được xây dựng theo kiểu chữ “tam”: Tiền tế, Trung đường và Hậu cung.

Trong Hậu cung, trên bệ cao nhất của gian chính giữa là tượng Mẫu Liễu Hạnh ngồi trên bệ trong khám thờ hai lớp, được chạm nổi rồng chầu nhật và hoa cúc, cuốn thư...

Thấp hơn hai bệ trên đặt ban thờ Phật và cô thủ đền.

Đình Vũ Thạch là nơi đã tổ chức “Tuần lễ vàng” trong những ngày đầu cách mạng, là địa điểm tổ chức bầu cử Quốc hội khoá đầu tiên và chính Hồ Chủ tịch - người công dân ưu tú số một của dân tộc ta đã bỏ lá phiếu đầu tiên ở đây. Ngôi đình còn là trụ sở của tự vệ thành Hà Nội năm 1946 và địa điểm liên lạc của nhiều cán bộ cách mạng trong kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, cho nên đây còn là một di tích cách mạng kháng chiến.

Năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, được sự quan tâm của UBND thành phố và UBND quận Hoàn Kiếm, di tích đã được tu bổ lớn, khang trang hơn trước.

Đình, đền, chùa Vũ Thạch đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)