Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, miếu Vĩnh Trung (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 07/08/2023 09:54

Đình, miếu Vĩnh Trung thuộc thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

dinh-vinh-trung.jpg
Đình Vĩnh Trung

Đình Vĩnh Trung từ xa xưa gọi là miếu Linh Linh, đã được sử dụng với chức năng một ngôi đình nên dân làng thường gọi là miếu đình Vĩnh Trung. Như vậy đây là một kiến trúc chứ không phải hai.

Đình, miếu Vĩnh Trung thờ thành hoàng làng là Tam vị đại vương là Ông Cả, Ông Hai, Ông Ba cùng vị âm thần là Ngọc Tinh phu nhân. Ba ông là con của một người họ Đoàn và bà họ Bạch ở trang Thiên Thừa, huyện Kim Bảng, phủ Lý Nhân. Ba ông đều thông minh, dĩnh ngộ, văn võ song toàn. Năm 22 tuổi, cha mẹ mất. Được vua Hùng mến tài cho làm đô uý. Khi đất nước có ngoại xâm, ba ông đem hết tài năng cầm quân đánh giặc, đặc biệt là tài bắn cung. Sau khi đánh đuổi được ngoại xâm. Vua Hùng phong là “Thần xạ đại vương”, đến trang Vĩnh Hưng Trung, ba ông thấy địa thế đẹp nên xin vua dựng dinh cơ ở đây. Sau khi ba ông mất, vua sai làm lễ tế và cho phép Vĩnh Hưng Trung được thờ làm thành hoàng.

Đình, miếu Vĩnh Trung toạ lạc trên một khoảnh đất rộng, mặt trước là một hồ lớn. Kết cấu của đình đơn giản song chắc chắn.

Thời kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), đình được dùng làm xưởng rèn vũ khí của cơ quan quân khí quốc phòng.

Đình, miếu Vĩnh Trung hiện còn lưu giữ một thần phả do Nguyễn Bính soạn năm 1573 (Quý Dậu) trong đó ghi sự tích công trạng các vị thần và 19 đạo sắc phong, niên hiệu sớm nhất là năm 1784 (Giáp Thìn) triều Cảnh Hưng 45, muộn nhất là năm 1928 và nhiều đồ tế tự.

Đình, miếu Vĩnh Trung đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)