Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Vĩnh Phệ (huyện Ba Vì)

Sơn Dương (t/h) 07/08/2023 09:40

Đình Vĩnh Phệ thuộc địa phận xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội.

dinh-vinh-phe.jpg
Bên trong đình làng Vĩnh Phệ

Ở trung tâm làng Vĩnh Phệ, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, Hà Nội có một ngôi đình cổ, đẹp là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của dân làng, đó là đình Vĩnh Phệ.

Chùa làng Vĩnh Phệ thờ Thiền sư Nguyễn Đạo Hạnh, còn đình Vĩnh Phệ thờ cha ông là Nguyễn Đạo Thông - người được nhân dân tôn làm thành hoàng làng. Ông có công rất lớn trong việc giúp dân làng khai khẩn đất hoang, dạy dân cách làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm. Ông thuộc dòng dõi Thiền sư Đại Điền.

Đình Vĩnh Phệ, tương truyền được xây dựng từ thời Trần. Ngôi đình được xây dựng nhìn về phía tây nam, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm toà Đại bái và Hậu cung, phía trước có sân đình rộng rãi, xung quanh là vườn cây, bên tả có hồ nước lớn tạo cảnh quan thoáng đãng cho ngôi đình.

Toà Đại bái gồm 5 gian hai dĩ làm theo kiểu bốn mái với bốn đầu đao cong, nền đình cao được bó bằng gạch về thời Hậu Lê. Bờ nóc, bờ dải toà Đại bái được đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc là hai con Makara, đầu đạo là các con lân ngậm bờ dải... phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Bên trong sáu bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách, bẩy hiện và bẩy hậu.

Hậu cung đình được làm đơn giản hơn gồm hai gian nối liền từ gian giữa Đại bái vào. Trong Hậu cung có làm Thượng cung bằng gỗ trên sàn long. Ba phía Thượng cung được bưng kín bằng gỗ kiểu ván mỏng, phía trước mở cửa bức bàn bốn cánh tạo khám thờ riêng biệt để đặt cỗ long ngai bài vị thờ thành hoàng làng. Trang trí trên kiến trúc gỗ chỉ tập trung ở toà Đại bái với các đề tài điển hình như: rồng, vân xoắn, lá lật, đao mác, nghê. Đường nét và phong cách tạo tạc mang dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.

Hiện nay, trong đình còn lưu giữ nhiều di vật quý như: 2 cỗ long ngai bài vị nghệ thuật thời Nguyễn, 12 đạo sắc phong của các triều đình phong kiến trước đây phong cho Thành hoàng làng Vĩnh Phệ, trong đó sắc phong sớm nhất có niên đại Quang Trung (1793) và muộn nhất có niên đại Khải Định thứ 9 (1924), 1 bộ bát bửu gỗ chạm, 1 bát hương gốm Thổ Hà (thế kỷ XVIII) và nhiều đồ thờ tự khác (bát hương sưa, cây nến, cờ, quạt, trống, long).

Hàng năm từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 3 âm lịch dân làng Vĩnh Phệ lại mở hội. Lễ hội tại đình làng Vĩnh Phệ không chỉ là ngày hội lớn của nhân dân trong làng mà lan rộng đến “tam khu thập lục xã đồng phụng sự”. Lễ hội đặc biệt với màn tổ chức rước kiệu và các trò chơi dân gian.

Đình Vĩnh Phệ vinh dự được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 2004./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)