Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ: Nhiều nơi đang bùng nổ chuyện nói bậy
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:08, 10/01/2021
Về vùng nói bậy tốp đầu miền Bắc: [Bài I] Chuyện ghi ở huyện Trực Ninh
Về vùng nói bậy tốp đầu miền Bắc: [Bài II] Chuyện ghi ở huyện Giao Thủy
Về vùng nói bậy tốp đầu miền Bắc: [Bài III] Chuyện ghi ở huyện Hải Hậu
Nhà văn Y Ban bàn về chuyện nói bậy của quê mình
Tôi ngạc nhiên, nghĩ bụng đang yên đang lành tại sao mình lại ăn chửi thì ông văng tiếp: “Mẹ nó công việc nhà trường ba lăng nhăng, thằng này, thằng nọ như..., chán lắm rồi! Mày vào đây ngồi để tao văng tục một trận cho nó sướng”.
Và thế là ông đã xả biết bao chuyện khó chịu trong người ra. Tôi không tiện nói tên ông hiệu trưởng nhưng có những người nói bậy quen dần trở thành bản năng. Thường bản năng đó được giấu kín khi người ta có quan hệ về lễ nghĩa, đạo đức, đẳng cấp nhưng trong điều kiện không phải kìm chế như khi uống rượu hay khi thoải mái, tự do thì lại được bùng ra.
Yếu tố vùng miền
Chuyện nói bậy có yếu tố vùng miền không thưa ông?
Ngôn ngữ, văn hóa có yếu tố vùng miền thì “nói bậy” như một loại ngôn ngữ tiêu cực cũng có tính vùng miền. Ở nơi nào cũng có chuyện nói bậy nhưng mỗi miền, mỗi tỉnh lại thường có một vài vùng đặc biệt mà chuyện nói bậy rất phát triển giống như có những vùng như vùng “nói phét”, vùng “nói ngang”, vùng “nói chọc”, vùng “nói tức”… vậy.
Tôi thường đi Bắc - Nam bằng các loại xe khách thấy từ Huế trở vào, lơ xe với lái xe họ ít nói bậy hơn, phong cách phục vụ nhanh nhẹn, dứt điểm hơn. Bởi vì trong đó kinh tế tư bản trước đây dạy cho người ta lơ xe, lái xe cũng là một nghề kiếm sống. Hành nghề kiếm sống thì phải được lòng khách nên nói năng phải tử tế.
Thời kỳ đầu sau giải phóng năm 1975, vào chợ ở Sài Gòn mua mấy bắp ngô thôi nhưng người ta gói ghém rất cẩn thận, thấy thế tôi liền buột mồm cảm ơn. Họ ngạc nhiên bảo: “Cháu phải cảm ơn chú mới đúng chứ bởi vì chú đã mua hàng cho cháu, tại sao chú lại cảm ơn cháu?”. Cách ứng xử đó hướng tới việc được lòng khách hàng và có thể bán được nhiều hàng hơn. Trong môi trường ấy thì người ta ít văng tục hơn.
Tại sao dân Nam Bộ nói rất phổ biến từ “đù má” đó chứ?
Một từ tục không nói lên điều gì cả, chúng ta đang nói đến nó như một thói tật trong nói năng ở những không gian đặc biệt hay trong toàn thể xã hội. Nói tục, chửi bậy cũng như bất cứ sắc thái ứng xử ngôn ngữ nào cũng có căn nguyên xã hội của nó.
Khi ngôn ngữ chưa phát triển của các cư dân nguyên thủy, có lẽ họ chưa phân định được đâu là tục, đâu là thanh, đâu là giao tiếp bình thường. Với họ, tiếng nói được coi như có tác động trực tiếp đến thế giới y như hành vi, hành động thực tiễn.
Từ “cây” và cái cây ngoài kia được họ đồng nhất làm một vì đều tạo nên hình ảnh cái cây cả. Để săn bắt hái lượm, họ cho rằng mồm nói ra thì cũng như chân chạy tay làm vậy.
Nhưng người ta phân biệt những gì có lợi (nuôi sống con người) và những gì có hại (làm chết người). Với những gì có lợi, người ta khẩn cầu nó, cung kính nó, thậm chí dỗ dành nó. Từ đó mà có các bài ca khẩn nguyện, những thần thoại sơ khai và phát triển thành nghệ thuật ngôn từ. Đó là hướng phát triển tích cực của văn hóa ngôn từ.
Với những gì có hại, người ta cũng khẩn cầu nhưng kèm theo lời nguyền rủa, lăng mạ, mong nó chết đi, hình dung nó xấu xí. Từ đó mà có bùa ngải, phù chú. Và tất yếu ngôn ngữ tiêu cực như chửi rủa, văng tục phát triển. Cái đó phản ánh tình thế bất lực của con người trước kỳ vọng thuận lợi cho chính mình.
Từ “đù má” được phát ra khi tình thế khó khăn gây bức xúc nào đó, khi người ta bất lực, cần hạ bệ một đối tượng bằng tinh thần (thông qua ngôn ngữ). Ngữ âm thì khác nhau nhưng ngữ nghĩa và hành vi thì phổ biến toàn thế giới.
Trong hành vi ngôn ngữ đó, chứa đựng tối thiểu ba sắc thái nghĩa: Tao sẵn sàng xâm phạm quyền sở hữu của gia đình mày, tao đứng ở đẳng cấp bố mày và thứ ba tao sẽ làm cái chuyện vốn là kín đáo đó một cách công khai (tục hóa).
Bất lực thì văng ra. Thế thôi. Hai từ đó không phân biệt vùng miền về hành vi ngôn ngữ mà nó phân biệt ở tình thế ứng xử. Những người đi mở cõi, ứng xử trước những tình thế gian nan cấp bách, họ hay buột miệng thì cũng là điều bình thường.
Tôi không hiểu tại sao một số vùng lại nói bậy hơn các vùng khác, ông nghĩ sao về điều đó?
Tôi hay đi huyện Giao Thủy, Hải Hậu của tỉnh Nam Định vì có mấy người bạn ở đó. Nếu thấy một người vẫy xe dọc đường, dừng lại để đón mà người ta xua tay không đi là lơ xe, lái xe văng tục đủ kiểu. Người vẫy xe không nghe thấy nhưng khách trên xe phải hứng đủ.
Lên xe mà mấy bà quen nhau là cũng nói bậy thoải mái kiểu “Đ… cụ nó” như một thói quen chứ hình như họ không thấy là bậy nữa. Hay như chuyện một người gọi ông thụ tinh bò: “Chú ơi, mẹ cháu bảo chú xuống thụ tinh cho một cái”. Ông kia trả lời: “Ừ, tao xuống, ... mẹ mày, tao xuống”.
Cộng đồng làng xã ở một số vùng bề ngoài cố kết với nhau nhiều khi tưởng là chặt chẽ nhưng trong lòng nó lại đang giải thể những cố kết đó. Dân họ hay đi buôn hay đi ra ngoài làm thợ rất đông. Càng đi nhiều, con người ta càng học được đủ thứ khôn, dại.
Suy từ một đứa trẻ đi mẫu giáo thôi, cô dạy cho lễ nghĩa nó học rất khó khăn nhưng chỉ cần trong lớp có vài đứa nói bậy là chiều đón cháu về nó văng ra luôn vì thấy hay hay, lạ lạ.
Con người luôn luôn có sự hiếu kỳ như vậy, đến một lúc nào đó thì nói bậy trở thành bùng nổ. Mọi hiện tượng văn hóa đều có quá trình tích tụ và quá trình bùng nổ vào một thời điểm nào đó rồi lan tỏa. Nhưng cái gì bùng phát lên rồi đến một thời kỳ nhạt đi ở vùng đó tuy nhiên vùng khác lại nổi lên.
Ngưỡng bùng nổ
Vậy quan sát ở một số vùng ông thấy nói bậy đã đạt đến ngưỡng bùng nổ chưa? Nó bùng nổ ở tất các ngành nghề, các lớp người hay chỉ những đối tượng đặc trưng?
Thời chúng tôi, nói bậy văng tục thường chỉ thấy ở bến xe, bến tàu và chợ nhưng bây giờ tôi thấy rất nhiều vùng bùng nổ quá xá. Thường ở những nơi kinh tế thị trường phát triển, con người đi ra bên ngoài nhiều, đối xử với những bất trắc của cuộc sống, về tiền nong, về nhiều thứ khác nữa nên chịu áp lực, phải giải tỏa. Mà giải tỏa nhanh nhất là bằng con đường nói bậy.
Trong văn hóa, đây là vấn đề phải để tâm bởi nó là một cuộc tuyên truyền, giáo dục hết sức lâu dài chứ không thể nào hi vọng một thời gian ngắn mà trở nên tốt đẹp. Bao giờ cũng thế, hướng tới sự ứng xử tốt đẹp khó khăn hơn là hướng tới sự ứng xử thoải mái, tự do và bản năng.
Nhưng một số người lại cho rằng nói bậy là một nét văn hóa của vùng quê đó, quan điểm của ông ra sao?
Bản chất trong khái niệm “văn hóa” đã hàm chứa những hành vi, kết quả có giá trị chân, thiện, mỹ. Người ta chia ra văn hóa và phi văn hóa. Nói bậy là phi văn hóa, nó có thể là thói quen, là đặc trưng của vùng miền nhưng là mặt trái của văn hóa.
Không thể khẳng định được một địa phương này nói bậy hơn các địa phương khác khi chưa có điều tra xã hội học kỹ lưỡng. Tôi thì thấy vùng nào cũng nổi lên một làng, xóm, một điểm nào đó mà nói bậy trở thành những giai thoại.
Ví dụ như Nghệ An có một xã là Nghi Hưng thuộc huyện Nghi Lộc hay dùng từ “đom” tức là trĩ, rất xấu, rất bẩn. “Mày ăn đom bà già tức là mày ăn trĩ bà già”. Cả làng con nói bố, bố nói con đều dùng kèm từ đom hết.
Chủ tịch xã lên huyện họp thì ông huyện mới bảo rằng: “Anh về anh nói dân thế nào chứ cứ mở miệng ra là đom”. Chủ tịch xã mới đáp: “Ôi trời, tôi đã dạy nhiều nhưng chúng nó đom nghe”. Xã đó sau được nhiều người gọi là xã Nghi Đom.
Tôi đi nghiên cứu thường làm việc với cán bộ các tỉnh, huyện, xã hay các nghệ nhân họ đỡ nói bậy hơn. Thêm vào đó mình là người ngoài thì dù gì họ cũng giữ gìn, ý tứ. Nhưng lẳng lặng ngồi nghe thì thấy nhiều người nói bậy.
Vùng nào ra ngoài làm kinh tế nhiều, có thể “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, nhưng có thể “đi một ngày đàng học năm bảy sàng hư”. Bức xúc về mặt kiếm tiền có nhiều biểu hiện phi văn hóa lắm.
Nhưng cũng có nhiều người nói bậy một cách trơn tru với vẻ mặt rất bình thường, thậm chí là rất tươi chứ không phải là khi bức xúc? Vậy từ bao giờ mà các vùng miền của nước ta bùng phát nói bậy?
Thế hệ lớp chúng tôi ngày xưa ít thấy nói bậy, lễ nghĩa rất cao. Nói bậy trở nên một lối nói quen thuộc theo tôi nó bùng phát khi kinh tế thị trường mở ra.
Thứ nhất là nói bậy để xả bức xúc, ẩn ức nhưng dần dần thành thói quen. Khi thành thói quen người ta không ý thức nó là bậy nữa mà cứ tuôn ra như phản xạ trực tiếp.
Thứ hai là khi thấy kẻ khác nói bậy hay hay thì trẻ con học theo, người lớn cũng vậy… lâu dần thành phong trào để chứng tỏ đẳng cấp là tôi bằng ông, ông bằng tôi để hòa đồng. Những thói xấu như uống rượu, hút thuốc đầu tiên cũng kiểu học theo để thể hiện đẳng cấp này.
Thứ ba là ở môi trường quan hệ giữa con người và con người lỏng lẻo, mang tính tạm thời như bến xe, bến tàu, đi trên đường… thì nói bậy sẽ có hội bùng nổ hơn bởi không cần giữ gìn ý tứ với nhau.
Như ngày xưa nói bậy gắn với con phe (con buôn) ở các bến xe, bến tàu. Không như các mậu dịch viên của Nhà nước có những sự ràng buộc như về công ăn việc làm, khách khứa vì họ là công chức, còn quan hệ giữa con phe và khách hàng ở trước cửa, ngoài vỉa hè thì chỉ gặp gỡ một lát vì mục đích lợi nhuận nào đó sau đó xa nhau.
Xã hội bây giờ là xã hội của mạng, họ lên mạng thấy người này nói thế này là độc đáo, là đẳng cấp vì được phong “thánh chửi” nên học nhau. Vùng nào cư dân đang đô thị hóa thì nói bậy bùng nổ hơn, bởi một cư dân đang đô thị hóa thì văn hóa làng xã bị giải thể trong khi đó văn hóa ứng xử kiểu thị trường lại tăng thêm.
Người ta hướng đến những thu nhập, lợi ích cá nhân cao hơn là những quan hệ thế thứ, đạo đức của làng xã để con người gắn bó bền vững với nhau. Chính sự giải thể văn hóa làng xã đó làm nên việc nói mà không giữ gìn.
Ở các vùng quanh Bắc Bộ đang đô thị hóa rất mạnh, những giường mối của làng xã, đạo đức, thế thứ bị chặt đứt, người ta ăn nói rất tự do, văng mạng, thoải mái.
Nan đề trong cách giải quyết
Vấn đề nói bậy này theo ông phải giải quyết ra sao?
Cá nhân, tôi phản đối ứng xử văn hóa bằng văng tục chửi bậy. Trong ứng xử xã hội, tôi cố gắng thoát khỏi bức xúc bằng một công việc nào đó.
Tôi thấy rằng, hy vọng một sự vận động xã hội không còn tình thế áp lực hoặc bức xúc để người ta khỏi văng tục là ảo tưởng. Với công việc nghiên cứu và thực hành văn hóa, tôi dùng ứng xử hoặc tác phẩm của mình để đem cái thuần phong lấn dần cái bại tục.
Tôi hay đi các câu lạc bộ đàn, hát dân ca trong đó những yếu tố văn hóa sẽ khiến cho người ta giảm dần nói bậy đi nhưng giảm chứ không thể mất được.
Từ trước đến nay có đề tài nào nghiên cứu về nói bậy chưa thưa ông?
Coi văng tục, chửi bậy như một yếu tố phản ánh trong nghệ thuật ngôn từ thì có. Tôi nhớ GS Hoàng Xuân Hãn khi lý giải các văn bản được coi là của Hồ Xuân Hương, ông đã nghiên cứu phong cách văng tục để chỉ ra nhiều bài ra đời rất muộn, sau thời Hồ Xuân Hương nhiều. Nó là của trí thức bình dân.
Theo ông những người công giáo hay lương nói bậy nhiều hơn?
Làng tôi nửa lương, nửa giáo nên tôi biết người công giáo ít nói bậy hơn người lương vì thiết chế văn hóa và lễ nghi của họ rất chặt chẽ. Người ngoan đạo ngày nào cũng đi nhà thờ thậm chí hai lần sáng và tối. Trong một tuần dù có nhạt đạo đến đâu cũng phải một ngày chủ nhật đi lễ.
Đến nhà thờ con chiên được cha dạy cho đạo đức. Ngoài ra trong cộng đồng thiên chúa giáo có những liên gia, nhóm nhà tuần nào cũng ngồi với nhau để nói chuyện, kiểm điểm xem con cái, gia đình ra sao.
Do đó dân theo công giáo ít nói bậy, chỉ những người ra làm thợ, đi cửu vạn, rời khỏi môi trường làng xã thì nói bậy nhiều. Những kinh nghiệm xây dựng thuần phong mỹ tục chúng ta phải học kinh nghiệm ở các tôn giáo rất nhiều.
Các mạng xã hội nay cộng hưởng ra sao với phong trào nói bậy hiện nay?
Cái đặc biệt của mạng xã hội là người ta không đối thoại một cách trực tiếp. Vì tính không trực tiếp của ngôn ngữ nên không cần thực thi những yếu tố lịch sự của văn hóa, thứ nữa là người ta nghĩ rằng mình ẩn danh được sau bức màn che là mạng xã hội nên tự do hơn khi phát ngôn.
Tính hai mặt của vấn đề này là những phản biện của người ta qua mạng xã hội cũng tự do hơn, gặp cái gì xấu cũng có thể nói.
Ví dụ đối diện thủ trưởng không thể nói xấu nhưng nói qua mạng thì được. Mặt hai là văn hóa xấu cũng lan tràn vì nói trên mạng xã hội người ta nghĩ sẽ không phải chịu trách nhiệm. Từ đó tạo ra con đường lan tỏa rất nhanh bởi rất nhiều người đang sử dụng mạng xã hội.
Tôi thấy trên màn ảnh của Tây họ cũng thường xuyên nói bậy, ông lý giải ra sao về chuyện đó?
Đúng và không chỉ thế. Trong giới cầu thủ tất cả các nước thì người ta cho rằng cầu thủ Anh là nói tục vô địch thế giới. Họ vừa chạy vừa chửi, nói bậy đến mức các trọng tài nữ ngượng không thể thổi được còi nữa.
Xin cảm ơn ông!