Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Mở hướng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

Thu Trang 05/08/2023 17:49

Khai thác lợi thế tự nhiên, nhiều năm gần đây, thành phố Hà Nội đã xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, mang đến nhiều trải nghiệm cho du khách.

xa-hong-van.jpeg
Tham quan, khảo sát một số điểm Du lịch sinh thái xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội

Với điều kiện đa dạng về hệ sinh thái - tự nhiên, văn hóa và đặc biệt có vị trí thuận lợi kết nối với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch vùng nông thôn gắn liền với thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái là chủ trương đúng đắn nhằm nâng cao năng lực sản xuất cũng như đời sống của người dân tại khu vực nông thôn, hướng đến phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17-3-2021 về việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Chương trình định hướng việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về du lịch nông nghiệp, nông thôn trong phát triển du lịch của Thủ đô. Trên cơ sở này, UBND thành phố Hà Nội đã sớm ban hành và triển khai Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 4-3-2022 về việc phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025.

Hà Nội đã công nhận 7 điểm du lịch ở khu vực ngoại thành, gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, sinh thái, đó là: Điểm du lịch Dương Xá, điểm du lịch Phù Đổng (huyện Gia Lâm); điểm du lịch làng nghề lược sừng Thụy Ứng, điểm du lịch làng nghề mộc cao cấp Vạn Điểm (huyện Thường Tín); điểm du lịch Đại Áng, điểm du lịch Yên Mỹ (huyện Thanh Trì); điểm du lịch Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).

Thành phố cũng có 2 sản phẩm OCOP đầu tiên được đánh giá, phân hạng 4 sao thuộc nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Đó là: Điểm du lịch dịch vụ làng quê Hồng Vân (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) và Khu sinh thái Phù Đổng Green Park (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm). Ngoài ra, thành phố đã có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm; 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê…

Để phát triển những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô trong du lịch nông nghiệp, Hà Nội cần chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch khu vực nông thôn gắn liền với cảnh quan du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch nông nghiệp sinh thái hướng đến xây dựng nông thôn mới bền vững, toàn diện.

Hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, hoàn thiện các cơ chế quy hoạch tổng thể và xây dựng hành lang pháp lý tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái gắn liền với các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Nghiên cứu thị trường, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn, xúc tiến quảng bá du lịch nông nghiệp sinh thái. Việc nghiên cứu thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch là điều kiện cần để du lịch nông nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, công tác quảng bá thương hiệu du lịch cũng đóng vai trò quan trọng, là chìa khóa để du khách biết đến các sản phẩm du lịch của địa phương, bảo đảm sự thu hút khách và tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm du lịch địa phương.

Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, vật chất kỹ thuật, ứng dụng công nghệ số theo hướng đồng bộ để hoạt động du lịch nông nghiệp sinh thái ngày càng được nâng cao về chất lượng. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, đặc biệt hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ trung tâm thành phố đến các khu du lịch nông nghiệp ở ngoại thành, hoàn thành các công trình hạ tầng thiết yếu tại các điểm du lịch.

Du lịch nông nghiệp phát triển đòi hỏi trình độ nghiệp vụ, quản lý ngày càng cao, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cao, đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, viên chức, lao động tại các địa phương có mô hình du lịch nông nghiệp.

Liên kết địa phương, liên kết vùng sẽ khai thác hiệu quả thế mạnh về vị trí địa lý, các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng, phát huy lợi ích của cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế nhằm tạo chuỗi giá trị sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái. Đẩy mạnh và tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng với các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước sẽ thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch vùng.

Đặc biệt, cần xây dựng cơ chế phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khai thác tính độc đáo của mỗi vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến cho toàn vùng. Chú trọng hợp tác, liên kết trong đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, bảo đảm tiêu chuẩn quốc gia và khu vực./.

Thu Trang