Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Việt Yên (huyện Thanh Trì)

Sơn Dương (t/h) 03/08/2023 15:55

Đình Việt Yên ở thôn Việt Yên, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

dinh-viet-yen.jpg
Đình Việt Yên

Đình còn tên là đình Kẻ Vẹt. Vẹt là tên nôm từ thời cổ của Việt Yên. Đình Việt Yên thờ tướng Nguyễn Siêu làm thành hoàng làng. Nguyễn Siêu tên huý là Triều, sinh năm Giáp Thân (cuối thế kỷ IX) là bậc anh tuấn phi thường, có tài vũ dũng thao lược, được Ngô Vương Quyền tin dùng cho làm thống lĩnh tướng quân, chiếm giữ Đông Phù Liệt (Thanh Trì), và Việt Yên là nơi đóng đồn luỹ bản doanh của tướng quân Nguyễn Siêu. Sau khi Ngô Vương Quyền mất, chính quyền trung ương suy yếu, các thổ hào, chúa đất nổi lên tranh giành cát cứ, đưa tới tình trạng 12 sứ quân. Trong tình hình đó, Đinh Bộ Lĩnh nổi lên tiêu biểu hơn cả. Nguyễn Siêu cho quân sĩ tập luyện, xây thành đắp luỹ, trên từ Sông Cái, xã Việt Yên, dưới thì ngang sông Con tới xã Phúc Am, chuẩn bị lương thảo, bày trận đối phó với quân Đinh Bộ Lĩnh. Giao tranh quyết liệt diễn ra. Thần tích ghi: “Ngày 15 tháng 7, bỗng nhiên lũ lớn, gió gầm thét, thuyền rồng đắm, khí giới quân nhu đều mất cả. Sau đó vài tháng trôi tới Bái Xuyên một con ngựa thần... Nhân dân cho là linh thiêng, lập đền cầu cúng”. Các triều Lý, Trần, Lê sau này đã cho Việt Yên lập đền thờ và phong sắc cho tướng Nguyễn Siêu. Sắc sớm nhất còn lưu giữ được là thời Hồng Đức năm thứ hai (1461), Cảnh Thống năm thứ nhất (1498), Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767) và các triều vua Nguyễn sau này.

Đình Việt Yên nằm trên khu đất cao, rộng đầu làng Việt Yên. Bên cạnh đình là chùa Việt Yên. Đình Việt Yên tương đối lớn với đủ các bộ phận: cột đồng trụ, nhà Tiền tế, Tả hữu mạc, Phương đình, Đại bái và Hậu cung. Tất cả các kiến trúc nằm trong khuôn viên khép kín, bố cục mặt bằng “nội công ngoại quốc”. Nhà Tiền tế tường hồi bít đốc. Hai đầu phía trước là hai cột đồng trụ lồng đèn, trên đầu đặt nghề sành. Toà nhà này có bộ khung chịu lực khá lạ. Để đỡ thượng lương và các hoành là hai chiếc kẻ, chạy suốt từ nóc luồn các cột, rồi tạo thành bẩy đỡ thanh tàu phía trước. Chỗ kẻ ăn mộng vào cột cái là xà câu đầu đã tạo một ô hình tam giác. Trong đó được dựng nên khung chữ nhật “giá chiêng”. Và ở dưới ngay sát kẻ, chỗ ăn mộng vào đầu cột quân lại có thêm xà ngang nữa, tạo ra khoảng tam giác ở phần cốn nách. Đây là kiểu vì kèo kẻ suốt.

Phương đình nằm tiếp sau nhà Tiền tế, kiến trúc này có hai tầng, tám mái, bộ vì kèo có kết cấu kiểu “giá chiêng con nhị”. Toà này có niên đại khá muộn, khoảng cuối đời Nguyễn. Đại bái có kết cấu vì nóc kiểu giá chiêng. Vì nách là cốn bưng được chạm dày đặc các tứ linh. Đại bái nối với hậu cung qua nhà cầu. Hậu cung có kết cấu đơn giản với kiểu vì kèo kẻ suốt, hầu như không có chạm khắc, trang trí gì.

Đình Việt Yên còn giữ được 23 đạo sắc phong từ triều Lê đến Nguyễn, các hoành phi, câu đối, ngai, nhang án, kiệu thế kỷ XVIII, ba choé đời Thanh, một đôi độc bình.

Đình Việt Yên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)