Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Vân Trì (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 03/08/2023 14:00

Đình Vân Trì là tên gọi theo địa danh làng, hiện nay thuộc thôn Vân Trì, xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Vân Trì xưa là trang Vân Trì, đến năm Gia Long 1 (1815) gọi là xã Vân Trì, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn. Vào cuối thời Nguyễn (1938) đình Vân Trì thuộc thôn Vân Trì, tổng Tuân Lệ, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên và đến năm 1956 đổi thành xã Liên Hiệp. Năm 1961 huyện Đông Anh nhập về Hà Nội và đổi thành xã Vân Nội như ngày nay.

Vân Trì là một làng Việt cổ, có lịch sử lâu đời. Trước đây, Vân Trì từng là trang ấp của nghĩa quân Hai Bà Trưng. Dấu tích còn lại là những ngôi đình, đền thờ tướng lĩnh của Hai Bà Trưng là Đống Vĩnh và Thái Giới Đại vương hiện có các di tích tưởng niệm nằm rải rác ở các thôn Vân Trì và Viện Nội.

Trong kháng chiến, đình Vân Trì không chỉ là nơi thờ tự các vị thần hoàng làng mà còn là trụ sở, cơ sở để hoạt động cách mạng. Nơi đây, Đoàn thanh niên cứu quốc, tự vệ chiến đấu từ tháng 3 - 1945 đã lấy sân đình để tập luyện võ nghệ, chuẩn bị vũ trang tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sau đó, tại đây chính quyền cách mạng lâm thời của tỉnh Phúc Yên, huyện Đông Anh và xã Vân Nội ra đời.

Theo nhiều nguồn tư liệu thì nhận định ban đầu, đình Vân Trì được xây dựng từ rất sớm (thời kỳ Hai Bà Trưng), vốn khởi nguyên là ngôi đền. Sau, để phù hợp với lịch sử và hoàn cảnh xã hội đương thời nên có sự chuyển đổi đền thành đình. Trong kháng chiến đình bị tàn phá, đến năm 1993 khôi phục lại đình, về cơ bản vẫn tuân thủ theo kiểu dáng của một công trình kiến trúc cổ truyền.

Nằm trên một khu đất thoáng và rộng, đình Vân Trì được xây dựng kiểu chữ “công” (5 gian, 4 mái; 2 gian ống muống và 3 gian hậu cung); phía trước có sân, 2 dãy nhà Tả, hữu mạc; Nghi môn lớn kết cấu kiểu 4 cột đồng trụ. Các hạng mục chính gồm: khu kiến trúc chính nhà Tả mạc, sân đình và Nghi môn.

Do bị tiêu thổ kháng chiến nên những di vật cổ còn lại không nhiều. Tuy vậy lòng thành kính đối với các vị thần hoàng làng vẫn in đậm trong tiềm thức của mỗi người dân Vân Trì - Vân Nội. Một số di vật còn lại và rất có giá trị như: chiêng đồng, bộ ngai và bài vị, giá văn, sắc phong trong đó có sắc niên hiệu Thiệu Trị 6 (1846)...

Đình Vân Trì đã được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2002./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)