Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Văn Quán (quận Hà Đông)

Sơn Dương (t/h) 03/08/2023 10:31

Đình Văn Quán thuộc địa phận phường Văn Mỗ, quận Hà Đông, Hà Nội.

dinh-lang-van-quan.jpg
Đình Văn Quán

Đình Văn Quán thuộc phường Văn Mỗ, quận Hà Đông. Theo truyền thuyết và các văn tự cổ như bia đá, sắc phong, thần phả... vào thế kỷ XV đã có sự hiện diện của ngôi quán cổ này. Đình thờ thành hoàng là bà Lê Thị Ngọc Bôi, vị công chúa thứ 2 của vua Lê Thái Tông (1434 - 1442) đã chiều dân vùng này và lập lên trang Văn Quán. Theo những thư tịch cổ, trang Văn Quán ngày ấy là một vùng sình lầy, lau lách, sau khi bà chiêu dân lập ấp thì vùng này dần biến thành một vùng trù phú, ngôi quán cùng với quá trình tụ cư lập ấp cũng đã được dựng lên. Bà trở về vùng Sầm Sơn (Thanh Hoá ngày nay) rước duệ hiệu và chân hương thần Độc Cước về thờ phụng tại bản trang (hiện nay vị thần này vẫn còn được kính thờ tại vùng biển Sầm Sơn, Thanh Hoá, trong đền Độc Cước). Thần Độc Cước vốn là vị thần che chở cho ngư dân vùng biển. Sau khi bà Lê Thị Ngọc Bôi hoá, nhân cả: đã phối thờ với vị Thành hoàng Độc Cước.

Thuở ban đầu, ngôi đình được dựng tranh tre mái lá, đến năm Minh Mệnh thứ 11 (1830) nhân dân tu bổ lớn để ngôi đình có kết cấu kiến trúc như hiện nay. Đình toạ lạc trên khu đất cao, trông hướng đông nam với hệ thống cột trụ tường bao, cổng pháp 2 tầng 8 mái, hai toà dải vũ, Đại bái và Hậu cung.

Đại bái 3 gian 2 chái với các bộ vì làm theo kiểu thức “chồng rường” trên 4 hàng chân cột. Hai vì nóc đầu hồi chạm nổi hổ phù cùng hình chim phượng đang xoè cánh bay. Giá trị nghệ thuật chủ yếu tập trung trên 8 bức cốn. Các bức cốn ở gian giữa chạm tích “ngư long hý thuỷ” với những linh vật thiêng mà trung tâm chủ yếu tập trung là linh vật rồng nhưng không trùng lặp đơn điệu. Các bức cốn bên trái ở vì kèo thứ nhất chạm cảnh cành mai chim trĩ với gốc mai lớn, xù xì, cảnh nở đầy hoa, trên cành có đôi chim đang tình tự. Đình Văn Quán thờ một vị công chúa thứ hai thời Lê Thái Tông nên phải chăng các mảng chạm khắc ở ngôi đình này chủ yếu đặc tả các hoạ tiết về loài chim phượng quyền quý. Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật thì phượng chính là một linh vật tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang của các vị hoàng hậu, công chúa trong triều đình phong kiến xưa.

Ngoài những hoạ tiết trang trí trên, các mảng chạm khắc còn tập trung thể hiện ở các cửa võng, hoành phi, cuốn thư, khám thờ, long ngai, bài vị, hương án... Đây là những di vật quý được sơn son thếp vàng làm cho di tích thêm rực rỡ.

Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)