Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Vân Mộng (huyện Mỹ Đức)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 16:42

Đền Vân Mộng thuộc địa phận xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

den-van-mong.jpg
Đền Vân Mộng

Đền Vân Mộng ở thôn Giáp Bốn, Quốc lộ 21B, đến ngã tư Tế Tiêu rẽ tay phải theo đường liên huyện tới ngã tư Kênh Đào rồi rẽ trái khoảng 3km là tới di tích.

Đền toạ lạc trên thế đất cao bên dải Hoành Sơn hùng vĩ, trông về hướng đông nam. Đền có kết cấu theo kiểu chữ “nhị” gồm: Tiền tế và Hậu cung. Từ đường vào ta bắt gặp hai con voi đá có độ tuổi vài trăm năm. Đôi voi này ở tư thế quỳ, cổ đeo khuôn nhạc và đăng đối với nhau theo gian giữa của đền. Tiền tế được làm 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong với 3 lối cửa đi, một cửa chính. Hệ thống cửa được làm kiểu bức bàn rất thuận tiện cho việc sử dụng và tạo vẻ kín đáo. Nhìn từ bên ngoài toà kiến trúc này được làm 4 mái đao cong, bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đỉnh. Hai đầu bờ nóc đắp hai con rồng được làm biến thể kiểu rồng Makara ngậm bờ nóc, chầu vào mặt trời ở giữa. Các đầu đao được tạo dáng uốn cong làm cho bộ mái bớt đi phần nặng nề. Vào bên trong, hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “Thượng chồng rường con nhị, hạ cốn mê, bẩy hiên và hậu”. Hai bộ vì gian bên được làm theo kiểu “Thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiện và bẩy hậu”. Hai bộ vì hồi cũng được làm kết cấu thống nhất từ trên xuống dưới theo kiểu “thượng cốn mê, hạ kẻ chuyền cốn, bẩy chéo”. Hai bộ vì áp sát đầu đốc làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ” bởi vì chịu lực chính của các bộ vì này là dựa lưng vào tường xây. Hậu cung đình được làm kiểu nhà ngang với 3 gian đầu hồi bít đốc. Các bộ vì giữa của toà Hậu cung được làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị hạ kẻ chuyền xà nách”. Hai bộ vì hồi được làm áp sát với tường xây, các xã thượng, xà hạ chạy dọc khắp và được soi kẻ chỉ tạo thế vững chắc và thông thoáng cho toà Hậu cung.

Đền Vân Mộng thờ vị Thượng đẳng tối linh thần Vân Mộng. Tương truyền, nàng Vân Mộng xinh đẹp nết na, đoan trang, diện mạo hiền từ đôn hậu. Đến tuổi trăng tròn nàng xuất gia quy y cửa Phật tại chùa Thuỷ Viên, trang Lai Bảo. Được nửa năm thì giặc Chiêm Thành xâm chiếm, bà phải lánh nạn. Trên đường tránh giặc, bà đã theo học đạo của một vị tiên ở ngoài hải đảo, sau bà đó được vị tiên truyền dạy sáu phép hô phong, hoán vũ cùng với nghề bốc thuốc cứu dân độ thế. Đến khi giặc Chiêm Thành bị đánh bại, đất nước trở lại thanh bình như xưa, nhà sư Vân Mộng trở về chùa Lai Tảo. Khi ấy, vùng này xảy ra nhiều dịch bệnh, nhà sư Vân Mộng đã sử dụng phép tiên và nghề bốc thuốc mà tiên nữ xưa kia truyền cho. Nhiều người đã khỏi bệnh, nhất là người dân các vùng Bột Xuyên, Lai Tảo, Tảo Khê, Phú Hữu. Trong khi tìm kiếm thảo dược, nhà sư thường đến chân núi của tổng Tuy Lai. Sau một thời gian, bà hoá tại đây. Đến năm Giáp Thân, các phủ phía bắc, đồng ruộng bị khô nẻ kéo dài. Dân tổng Bột Xuyên, tổng Tuy Lai đã cùng nhau làm lễ tại nơi bà hoá và rước kiệu Tiên thánh ra chùa Lai Tảo, kiệu đi tới đâu thì trời mưa đến đó, đồng ruộng lại được cấy cầy thuận lợi. Tin cứu nhân độ thế của Linh Tiên Vân Mộng tới tai vua. Nhà vua truyền lệnh nhân dân làng Giáp Bốn lập đền thờ Tiên thánh Vân Mộng.

Đền Vân Mộng còn lưu giữ được 1 bộ long ngai, bài vị, 2 bát hương sứ thời Nguyễn, 02 đế bát hương gỗ chạm hoa sen, 1 bát hương chạm rồng. Đền Vân Mộng đã được các triều đại phong kiến phong cho 42 đạo sắc đến nay chỉ còn 17 đạo.

Hằng năm làng mở hội vào ngày 21 và 22 tháng mười âm lịch, là ngày đức thánh hóa.

Đền đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)