Đình Ước Lễ (huyện Thanh Oai)
Di tích đình Ước Lễ thuộc địa phận xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Việc phát hiện ra trống đồng Đông Sơn loại I và nhiều cổ vật dưới lòng đất có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 - 2.500 năm đã khẳng định: đây là vùng đất có người Việt cổ sinh sống từ rất lâu đời.
Đình Ước Lễ thờ Tể tướng Lữ Gia làm thành hoàng làng.
Những dấu tích nghệ thuật điêu khắc còn lại trên các đầu dư ở toà Đại bái đình cho thấy, đình Ước Lễ ít ra đã được xây dựng từ thế kỷ XVII. Hạng mục kiến trúc chính của đình gồm: Nghi môn, Tiền tế, Đại bái, Phương đình, Hậu cung và Tả hữu mạc. Ngoài toà Hậu cung là hạng mục mới được tôn tạo sau hoà bình do bị hư hỏng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, còn lại các hạng mục kiến trúc khác của đình đều mang dấu ấn của lần trùng tu và mở rộng, nâng cao ở cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trên các kiến trúc gỗ này, người nghệ nhân xưa đã thể hiện sự tài hoa, khéo léo của mình qua các mảng chạm với nhiều chủ đề phong phú. Ta có thể thấy nổi bật lên là lối kết cấu kiến trúc và các chủ đề trang trí mang đậm ảnh hưởng của truyền thống Nho giáo Trung Hoa như: chạm “Trương Phi trên cầu Tràng Bản”, “Kết nghĩa vườn đào của Lưu, Quan, Trương” trong tích truyện Tam quốc diễn nghĩa; chạm cuốn thư có xen kẽ hoa quả và ba chữ “Phúc, lộc, thọ”... ở toà Tiền tế; hay chạm mai - điểu, tùng - lộc, liễu - mã để biểu hiện cho sự cầu mong hạnh phúc, sống lâu trên các bức cốn mê gian hồi toà Đại bái. Đặc biệt, với lối trang trí hoa văn hình triện, kỷ hà có điểm xuyết hoa quả thiêng mang ý nghĩa cầu phúc, những đường vân xoắn được chuyển hoá vuông trên các bức cốn gian bên toà Đại bái thoáng nét ảnh hưởng của nghệ thuật cung đình Huế (ở lăng Gia Long và Hưng Tổ miếu). Dấu ấn sự giao thoa văn hoá này còn được thấy trên các mảng chạm ở diềm mái của toà Tiền tế theo lối “nhất thi, nhất hoạ” (điện Long An, nay là Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế). Trên diềm mái chạy suốt 5 gian nhà này mỗi gian đều có một bài thơ chữ Hán chạm theo lối viết thảo mềm mại hoặc viết chân cứng cáp, mạnh mẽ ở chính giữa, hai bên là các bức hoạ theo đề tài tứ quý hoặc ngũ phúc được chạm nổi tinh tế và khéo léo. Có thể nói, nghệ thuật điêu khắc đình Ước Lễ đã mang đậm bản sắc văn hoá riêng của một vùng quê vừa có truyền thống hiếu học vừa phát triển giao lưu thương nghiệp với nhiều vùng trong cả nước.
Bên cạnh kiến trúc cổ, đình Ước Lễ còn giữ được một khối lượng di vật phong phú có liên quan đến vị thành hoàng làng thờ ở đình. Đó là: thần phả, sắc phong, hương án, hoành phi, câu đối, long ngai bài vị... những tư liệu này góp phần tìm hiểu quá trình Việt hoá những vị thần gốc Hán như Lữ Gia (được thờ ở nhiều nơi, trong đó có đình Ước Lễ). Lữ Gia là tể tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (Quảng Đông và Quảng Tây, Trung Quốc) chống lại việc sáp nhập nước này vào nhà Hán. Năm 112 trước Công nguyên, Lữ Gia giết Triệu Vương Hưng, Thái hậu Cù Thị và xứ giả nhà Hán, lập Kiến Đức làm vua. Năm 111 trước Công nguyên, tướng nhà Hán là Lộ Bác Đức tiến đánh bắt, được Lữ Gia và thôn tính Nam Việt.
Đình Ước Lễ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2004./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02