Danh thắng & Di tích Hà Nội

Nhà thờ họ Trịnh (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 02/08/2023 09:51

Nhà thờ họ Trịnh hay còn gọi là “Thái Đường” mà theo các cụ trong họ thì một nhánh của dòng họ Trịnh đã làm nghiệp chúa. Di tích hiện ở thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội.

nha-tho-ho-trinh-da.jpg
Khuôn viên nhà thờ họ Trịnh

Họ Trịnh định cư ở đất Thái Đường tính đến nay là hơn 500 năm. Theo gia phả dòng họ, mà sớm nhất là trên tấm bia “Đông Hoa Trịnh tiến sĩ - Trịnh tiến sĩ gia phả bi ký” do Tiến sĩ Phan Phủ, người làng Võng La huyện Yên Lãng, đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) soạn vào năm Chính Hoà 1696 thì cụ tổ đầu tiên của dòng họ Trịnh đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Thái Đường là cụ Trịnh Phúc Tâm cùng cụ tổ là bà hiệu Từ Duyên xuất thân từ Sáo Sơn, Thanh Hoá. Tính từ thế kỷ XV là khi họ Trịnh bắt đầu cuộc sống ở làng Cói Thái Đường cho đến nay thì đây là dòng họ có nhiều người học hành giỏi, đỗ đạt cao và có công với đất nước. Dưới chế độ phong kiến dòng họ Trịnh có 3 người đỗ tiến sĩ, 2 người đỗ sĩ vọng, 34 người đỗ tứ trường và 70 người đỗ tam trường. Người đầu tiên là Trịnh Biển ở đời thứ 6 đỗ đầu thi Hương năm 1645 sau đó 2 lần đỗ tam trường. Đến đời thứ 7 có cụ Trịnh Đức Nhuận sinh năm Quý Tỵ (1653) năm 17 tuổi thi Hương đạt Giải nguyên, năm 20 tuổi đỗ đầu khoa sĩ vọng, năm 23 tuổi đậu Đồng tiến sĩ khoa Bính Thìn năm Vĩnh Trị thứ nhất (1676). Người thứ 3 đỗ đại khoa của dòng họ là ông Trịnh Xuân Thưởng ở đời thứ 12, hiệu Tín Trai đỗ tú tài 3 khoa 1840, 1841, 1842, đỗ cử nhân năm 1843, năm 1847 thi hội đỗ Tam giáp đồng tiến sĩ làm Án sát tỉnh Sơn Tây.

Nhà thờ họ Trịnh hiện nay là nơi tưởng niệm, thờ phụng tổ tiên của dòng họ. Theo “Bài bia ký sự làm tại nhà thờ” gắn trên tường hồi trái nhà Tiền tế, thì cho đến nay ngôi nhà đã qua nhiều lần trùng tu sửa chữa và xây dựng lại. Lần xây dựng đầu tiên của nhà thờ họ Trịnh là năm 1696 cùng năm xây dựng tấm bia trụ ghi lại gia phả của dòng họ. Năm 1867 dân làng Thái Đường hưởng ứng sự nổi dậy của nông dân Cai Vàng, làng Cói bị triệt hạ và nhà thờ bị đốt, cụ Trịnh Tư Thận đứng lên làm lại nhà thờ.

Lần sửa chữa tiếp theo là vào năm 1891, hiện trạng kiến trúc ngày nay là kết quả của lần xây dựng cuối cùng vào năm 1935.

Quần thể kiến trúc của nhà thờ họ Trịnh bao gồm: Cổng, nhà che bia, Tiền tế và Hậu cung.

Cổng nhà thờ xây dựng đơn giản với kiến trúc gần với các công trình xung quanh. Phần trên cổng làm kiểu 4 mái, lợp giả ngói ống, hai cột xây kiểu trụ biểu, cửa vào hình vòm, phía trên có ô chữ nhật đắp 4 chữ Hán “Trịnh từ đường môn”

Nhà che bia được xây dựng vào năm 1993, làm theo kiểu chồng diêm 2 tầng tám mái, trên đỉnh đắp hình trái bầu, các góc mái đắp hình đầu rồng hướng cong lên đỉnh mái.

Tiền tế được xây kiểu tường hồi bít đốc, mái ngói đấu nắm cơm, bờ dải chạy thẳng và xây giật cấp ở phần hiên, phần mái hiên rộng khoảng 2m, các đầu bẩy được đỡ bằng 4 hàng chân cột gỗ vuông đặt trên tảng đá. Lòng nhà Tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ, bộ khung đỡ mái có kết cấu kiểu giá chiêng, được làm đơn giản chỉ có bào trơn đóng bén. Đỉnh vì là một xà nóc, toàn bộ các cột đỡ bộ mái đều được kê trên chân đá tảng trắng.

Hậu cung là nơi thờ tự chính và là nơi thâm nghiêm trang trọng, nên kiến trúc được chú ý hơn. Bộ khung nhà được đỡ bằng 4 bộ vì làm thống nhất theo kiểu chồng rường giá chiêng con nhị, các bộ phận kiến trúc được làm chau chuốt, chạm khắc văn lá, vân mây mềm mại, bên trong cấm cung ở cả 3 gian đều có bệ thờ xây gạch.

Nhà thờ họ Trịnh tồn tại cho đến nay cũng đã trải qua rất nhiều thăng trầm của lịch sử tuy nhiên ngôi nhà vẫn giữ được nhiều di vật quý, trong đó tiêu biểu và có giá trị nhất là tấm bia gia phả được dựng từ năm Chính Hoà 17 (1696), bia hình trụ bốn mặt có kích thước cao 1m50 (kể cả đỉnh) và rộng 54cm một mặt. Ngoài ra còn một số đồ thờ tự khác như: khám thờ, ngai thờ, bát hương đá... những di vật này được chạm khắc khá công phu theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX có giá trị cao.

Nhà thờ họ Trịnh là nơi giáo dục, phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp cho các thế hệ của dòng họ. Hàng năm vào mỗi dịp đầu xuân (15/2 âm lịch) dòng họ lại tổ chức lễ Xuân tế (tế tổ mùa xuân). Vào ngày này các cụ cao tuổi trong họ làm lễ báo cáo với tổ tiên về những thành tích của con cháu đã đạt được trong năm. Truyền thống học hành, thi cử đỗ đạt của dòng họ ngày càng được phát huy, xứng đáng là 1 trong 12 “Thế gia lệnh tộc” của xứ Kinh Bắc xưa đã được cuốn “Phong thổ Kinh Bắc” thời Lê ghi nhận.

Nhà thờ họ Trịnh đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)