Đình Tri Lễ (huyện Thanh Oai)
Di tích đình Tri Lễ thuộc địa phận xã Tân Ước, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Tri Lễ là 1 xã thuộc tổng Ước Lễ, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1954 Tri Lễ hợp nhất với 3 thôn để thành lập xã Tân Ước. Đình nằm theo hướng đông nam nằm trên dải đất ven bờ sông Hoà Bình. Đình kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái, Hậu cung và một số công trình phụ trợ khác.
Đại bái 3 gian 2 chái 4 mái đao cong, lợp ngói ri cổ. Nhìn từ bên ngoài toà Đại bái, bờ nóc đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai con kìm làm cách điệu kiểu rồng Makara. Gấp khúc bờ dải đắp nghê, đầu guột đắp rồng nước, tiền nhân đã đắp cách điệu nhiều chi tiết tạo cho bộ mái đao cong thêm phần mềm mại. Vào bên trong toà Đại bái gồm có 4 bộ vì chính và 2 bộ vì phụ chịu lực trên 6 hàng chân cột. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường, giá chiêng, hạ cốn, bẩy hiên”. Hai mặt cốn được chạm trổ rất tinh vi theo tích tứ linh và tứ quý theo một số đề tài dân gian như vinh quy bái tổ, Lã Vọng câu cá... Hai bộ vì gian bên được làm theo kiểu “thượng ván mê chạm hổ phù, hạ chồng rường, kẻ suốt”. Ván mê được chạm hổ phù nổi khối một cách tinh xảo: mắt quỷ, mũi sư tử, răng nhe lớn, tóc xoắn đuôi nheo, sừng nai, tai thú, má bạnh, hàm nở, miệng ngậm mặt trăng. Nối đầu các hàng cột cái với nhau là xà thượng, các cột quân là xà hạ. Tất cả các kết cấu kiến trúc này được định hình là kết cấu kiến trúc của lần đại trùng tu vào thời Nguyễn. Song ở toà Đại bái vẫn giữ được một số chi tiết chạm khắc rất có giá trị của nghệ thuật cuối thế kỷ XVII, XVIII. Hậu cung được làm kiểu nhà dọc với 3 gian bít đốc. Các bộ vì của toà Hậu cung được làm như sau: Hai bộ vì giữa được làm thống nhất theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ xà nách, kẻ”. Bộ vì hậu được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường, hạ rường nách”. Bộ vì áp với Đại bái được làm theo kiểu “thượng ván mê, chạm hổ phù, hạ cốn chạm rồng mây hoa lá cách điệu”.
Đình thờ hai vị thành hoàng làng là: Cao Sơn đại vương gắn với thời Hùng Duệ Vương, có công lớn trong việc giúp vua đánh giặc và dạy dân cấy cầy cùng Linh Lang Hộ quốc đại vương. Tương truyền, đây là một trong số 100 người con của Âu Cơ và Lạc Long Quân được cử đi trấn giữ vùng đất Tri Lễ trong buổi đầu dựng nước. Các triều đại sau này đều ban sắc phong thần cho ngài và cho phép các địa phương được thờ phụng hương hoả muôn đời không dứt.
Trải qua thời gian tồn tại, đình Tri Lễ còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị như 6 bức hoành phi cổ, 1 bức chạm kiểu cuốn thư rất đẹp, diềm trên chạm lưỡng long, diềm dưới chạm hổ phù, hai diềm bên chạm phượng, 2 cỗ long ngai bài vị thờ thành hoàng làng chạm trổ phong cách nghệ thuật nửa cuối thế kỷ XIX. 1 kiệu bát cống trang trí hoa văn hình rồng rất tỷ mỷ và đẹp, mang phong cách nửa đầu thế kỷ XVIII, 29 đạo sắc phong.
Lễ hội của làng diễn ra hằng năm từ ngày mùng 7 đến 10 tháng giêng âm lịch.
Đình Tri Lễ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02