Tượng vua Lê Thái Tổ bên hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm)
Tượng vua Lê Thái Tổ bên hồ Gươm tọa lạc tại số 16 Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ở phía tây hồ Gươm, trong khuôn viên nhà số 16 phố Lê Thái Tổ, phường Hàng Trống, có một di tích lịch sử về người anh hùng dân tộc đã có công lãnh đạo cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng Thăng Long. Đó là di tích lưu niệm về vua Lê Thái Tổ. Sự hấp dẫn của di tích ở chỗ nó được xây dựng trong “không gian thiêng” - nơi người hào trưởng đất Lam Sơn đã trả gươm báu cho rùa thiêng, mở ra nền thái bình.
Lê Lợi là vị anh hùng dân tộc hồi thế kỷ XV. Công tích và sự nghiệp của ông được nhà sử học nổi tiếng Phan Huy Chú ghi lại trong Lịch triều hiến chương loại chí: “Lê Lợi người làng Lam Sơn, huyện Lương Giang, Thanh Hoá. Ông là con út trong gia đình, khi sinh có mùi thơm khác thường. Đến lúc lớn, đức độ hơn người, đi như rồng, bước như hổ, người có kiến thức biết là kẻ phi thường. Khi còn làm phụ đạo ở Khả Lam, có đêm bắt được gươm thần, ấn báu. Bấy giờ, khi nhà Hồ cướp ngôi Trần, vua nương náu đợi thời. Đến khi quân Minh sang xâm lược, đặt nước ta thành quận huyện, vua mới quyết chí khôi phục, hạ mình tìm người, các bậc hào kiệt đều theo về cả. Năm Mậu Tuất (1418), dấy nghĩa binh ở Lam Sơn, tự xưng Bình Định vương. Phải đánh hàng trăm trận mới quét được giặc Ngô, trong mười năm mới định yên đất nước. Vua lên ngôi ở Đông Kinh, tên nước là Đại Việt”.
Tượng vua Lê Thái Tổ được dựng năm 1896 bên hồ Hoàn Kiếm. Trước đó, ở khu vực phía tây của hồ vốn đã có đền thờ vua Lê. Ngôi đền đó có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Thăng Long.
Hồ Hoàn Kiếm là dấu tích cũ của dòng chảy sông Hồng. Hồ có nhiều tên, xưa nhất là hồ Lục Thuỷ, sau đó hồ Thuỷ Quân - nơi duyệt thuỷ quân, tập trận, đua thuyền. Từ hồ Thuỷ Quân đổi thành hồ Hoàn Kiếm là cả một sự tích thần kỳ gắn với tên tuổi Lê Lợi. Chuyện “Trả gươm thần” - không những chỉ người Hà Nội mới được nghe kể nhiều. Truyền thuyết ấy kể lại việc Lê Lợi được gươm thần đề hai chữ “Thuận Thiên” từ nước, với việc ngầm ý Trời trao sứ mệnh cho người anh hùng đứng lên xướng nghĩa cứu dân, giúp nước, quét giặc ngoại xâm. Mười năm khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, người anh hùng ấy lên làm vua, đi thuyền trên hồ, rùa vàng hiện lên, thanh gươm rơi xuống nước, rùa vàng ngậm lấy rồi biến mất... Câu chuyện trả gươm báu vẫn được lưu truyền và loài rùa quý hiện còn, đã làm cho hồ Hoàn Kiếm trở thành một trong những biểu tượng điển hình của Thăng Long - Hà Nội.
Tượng vua Lê được đúc bằng đồng, trong tư thế tay hải cầm kiếm hơi chúc xuống, tay trái chống vào hông. Đầu đội mũ bình thiên, bốn góc có treo kim tòng, mặc áo long bào, lưng đeo đai. Tượng cao khoảng 1,20m đặt trên một trụ đá tròn, có ba cấp bậc xếp bằng đá phía dưới cũng được lượn tròn theo thân trụ với đường kính to nhỏ khác nhau.
Tượng dựng trên mặt bằng bao gồm: Cổng, sân vườn, nhà Phương đình và tượng đài dựng trên một cấp nền cao hơn 0,80m. Phần tiếp giáp giữa sân vườn và kiến trúc chính có đặt hai tượng sấu bằng đá ở hai bên bậc lên xuống. Ngoài cùng có cổng xây gạch dạng trụ biểu. Nhà Phương đình bốn mái cong ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ. Toàn bộ các hạng mục trên nằm trong một khuôn viên riêng, hoà cùng khung cảnh của hồ Trả Gươm nên thơ. Khu tượng đài vua Lê Thái Tổ bên hồ Gươm được trùng tu nâng cấp năm 2000, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội.
Sự tích hồ Trả Gươm gắn liền với tên tuổi của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi. Hàng năm vào ngày 22 tháng 8 âm lịch, người dân từ khắp nơi đến thăm viếng để tưởng nhớ về công ơn đức vua Lê...
Khu tượng đài vua Lê Thái Tổ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02