Sự kiện & Bình luận

Hội thảo quốc tế “Kết nối Việt Nam”: Chuyên gia trao đổi về vấn đề di sản

Hà Oai 22:27 02/08/2023

Tổ chức Engaging With Vietnam (EWV) phối hợp với Sở Văn Hóa và Thể Thao tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức Hội thảo Kết nối với Việt Nam - Engaging With Vietnam từ ngày 1 – 6/8.

z4568741205681_38f6ba71748ef093b7281a2c7c915ac8.jpg
Hội thảo quốc tế “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14 diễn ra tại Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế (ảnh. Sở VH&TT Thừa Thiên - Huế).

Ngày 1/8, tại Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế (12 Lê Lợi, TP Huế) diễn ra Hội thảo “Living with Heritage, (Re)creating Heritage: Vietnam and the World” (Sống Cùng Di Sản, Tái Tạo/Tạo Di Sản: Việt Nam và Thế Giới). Đây được xem là một Festival Khoa học - Nghệ thuật nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Huế 2023.

Hội thảo Kết nối với Việt Nam- Engaging With Vietnam lần thứ 14 là chuỗi hội thảo học thuật thường niên và lần này tập trung vào chủ đề di sản. Tiêu đề Hội thảo “Living with Heritage, (Re)creating Heritage: Vietnam and the World” (Sống Cùng Di Sản, Tái Tạo/Tạo Di Sản: Việt Nam và Thế Giới) có hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tham dự và trong đó có khoảng 320 trình bày tham luận.

Chủ trì Hội thảo gồm có Giáo sư Tiến sĩ Phan Lê Hà (Đại học Brunei Darussalam và Đại học University College London), Phó Giáo sư Tiến sĩ Liam C. Kelley (Đại học Brunei Darussalam) và Tiến sĩ Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên – Huế. Hội thảo được chia làm 10 phiên toàn thể và 65 phiên được trình bày song song tại Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế.

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định, với bề dày lịch sử của vùng đất cố đô, Huế mang trong mình bao trầm tích văn hóa. Sức hấp dẫn, cuốn hút của Huế không chỉ ở vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của những di sản văn hóa độc đáo mà còn là những nét riêng trong lối sống, vẻ đẹp trong tâm hồn của con người đã góp phần làm nên phong vị riêng của mảnh đất Huế.

Thừa Thiên - Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam đang sở hữu và đồng sở hữu 7 di sản được UNESCO công nhận là Di sản thế giới bao gồm Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên – Huế có gần 1.000 công trình và địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 89 di tích cấp quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh.

Hội thảo “Kết nối Việt Nam” với nhiều các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, và biểu diễn sẽ diễn ra trong suốt thời gian hội thảo và kéo dài. Đặc biệt là chương trình triển lãm áo dài và di sản Phong Y Yến tổ chức tại Cung An Định, chương trình sắp đặt và đêm thơ tại Trung tâm Nghệ thuật Điềm Phùng Thị - Bảo tàng Mỹ thuật Huế, biểu diễn nhạc cụ truyền thống Khmer Nam Bộ và Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế (Đại học Huế).

Ngoài ra, còn có các hoạt động diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Cung An Định, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế và một số di tích, danh thắng (Kinh thành, hoàng thành, lăng vua Gia Long, đàn tế Nam Giao, chợ Đông Ba, tuyến phố Lê Lợi...).

z4568883274030_e73a3bee2888ed2ff2a32d26ae767905.jpg
Khách đến tham quan, chụp ảnh tại Đại nội Huế.

Thông qua Hội thảo “Kết nối Việt Nam” lần thứ 14, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ mong muốn các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các đại biểu sẽ có những đóng góp sáng kiến, cùng thảo luận một cách chân tình, khoa học về chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo và các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong bối cảnh xã hội đương đại, góp phần lan tỏa những giá trị và hình ảnh Cố đô Huế đến với bạn bè trong nước và quốc tế./.

Hà Oai