Quy hoạch Nam Định thành cực phát triển trọng điểm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030
Nam Định là tỉnh nằm ở vị trí ở trung tâm Nam đồng bằng sông Hồng, trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng- Quảng Ninh và Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ. Địa phương này cũng nằm trên hành lang kinh tế biển và lục địa và vòng cung kinh tế Vịnh Bắc Bộ; có hệ thống giao thông liên vùng kết nối thuận lợi đến các tỉnh miền Bắc, Đồng bằng Bắc bộ và cả nước.
Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị thẩm định Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.
Để phát huy lợi thế này, mới đây, tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, địa phương xác định 3 định hướng đột phá phát triển đến năm 2030.
Theo đó, đột phá ở các ngành, lĩnh vực kinh tế gồm: phát triển công nghiệp tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều hình thái, sản phẩm dịch vụ; phát triển kinh tế biển với việc tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm và thu hút phát triển các ngành kinh tế biển; phát triển kinh tế đô thị dựa trên việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các đô thị trọng điểm, đô thị mới.
Đột phá về phát triển không gian lãnh thổ với việc hình thành 6 vùng đô thị lớn; phát triển 4 trung tâm đô thị động lực chủ đạo; phát triển 5 hành lang kinh tế động lực chủ đạo. Đột phá ở 4 nền tảng phát triển khác gồm nguồn lực dân số, lao động và văn hóa; chuyển đổi số; phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ; đổi mới và hoàn thiện thể chế, tạo môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch, thực hiện công tác lãnh đạo và điều hành.
Cũng theo báo cáo quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Nam Định tiếp tục phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm công nghiệp, du lịch, nông nghiệp, đô thị và nông thôn. Trong đó, công nghiệp hướng xanh, du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử, đô thị thông minh và nông thôn mới kiểu mẫu là trọng tâm; hệ thống đô thị có quy mô lớn và các KCN là mối quan tâm hàng đầu. Địa phương này phấn đấu trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Nam đồng bằng sông Hồng và cả nước. Đồng thời, kết nối thuận lợi với các trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng, cả nước, khu vực quốc tế…
Nam Định là tỉnh có nhiều lợi thế, ở vị trí thuận lợi cho kết nối giao thông, rất thuận lợi trong việc khai thác các tuyến đường sông và cảng thủy nội địa cũng như phát triển hệ thống công trình thủy lợi; kinh tế đa ngành, tăng trưởng khá. Tuy nhiên, quá trình phát triển của Nam Định có nhiều thách thức về: hạ tầng kết nối đối ngoại và liên kết lãnh thổ; đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tỷ lệ đô thị hoá; chuyển đổi số; phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo…
Phát biểu kết luận phiên thẩm định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, để sớm hoàn thiện quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Nam Định cần chỉ đạo các cơ quan lập Quy hoạch, kể cả tư vấn, các sở, ban, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến phản biện của các thành viên Hội đồng thẩm định, cũng như kết luận của Hội đồng.
Trong đó, tập trung làm rõ một số nội dung như: Quy trình lập Quy hoạch tỉnh, sự đồng thuận của các sở, ngành, địa phương trong bố trí không gian thực hiện quy hoạch; chỉ rõ điểm nghẽn của tỉnh; nhấn mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế và quan điểm phát triển kinh tế gắn với văn hoá, xã hội, môi trường; tăng cường tận dụng mối liên kết liên vùng, các giá trị mà các tỉnh bạn đã có; xác định sâu các yếu tố động lực, yếu tố đột phá mang tính khả thi.
Cần làm rõ lộ trình thực hiện phương án 2 trong kịch bản phát triển tỉnh Nam Định; xem xét sự chồng lấn giữa phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ với việc xâm lấn rừng phòng hộ ven biển. Xem xét sâu vấn đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Làm rõ số liệu, luận cứ về dữ liệu lấn biển, đảm bảo tính khả thi. Cân nhắc đầu tư cảng hàng không và thống nhất đầu tư cảng biển tổng hợp gắn với nhà máy sản xuất thép và phát triển Khu kinh tế Ninh Cơ; làm rõ chỉ tiêu các quỹ đất; tiếp tục phát triển, nâng tầm Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ./.