Sân khấu

Nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật trong vở ballet “Tên cướp biển – CORSAIR”

Yến Ly 01/08/2023 20:23

Sáng ngày 1/8/2023, tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã tổ chức tọa đàm chuyên đề “Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật trong vở ballet Tên cướp biển – CORSAIR”. Đến dự buổi tọa đàm có đại diện Ban Chấp hành Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, lãnh đạo các Hội chuyên ngành khác cùng đông đảo các nghệ sĩ hội viên.

Tại tọa đàm, Nhà giáo ưu tú, Ths. Trịnh Quốc Minh chia sẻ tới các hội viên về nghệ thuật xây dựng tính cách nhân vật trong vở ballet Tên cướp biển – CORSAIR.

vv.jpg
Quang cảnh buổi tọa đàm.

Theo Nhà giáo ưu tú, Ths. Trịnh Quốc Minh: “Tính cách là những đặc điểm biểu hiện nội tâm của con người, nó phản ánh trực tiếp suy nghĩ, lời nói và hành động, thậm chí là bản chất của con người đó. Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách. […] Để xây dựng thành công một nhân vật trong tác phẩm văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc cuộc sống và con người, nắm bắt được những biểu hiện và diễn biến dù là nhỏ nhất đời sống bên trong của nhân vật; hơn thế nữa người nghệ sĩ phải có khả năng quan sát, phát hiện những đặc điểm cơ bản nhất, mang tính tiêu biểu nhất ở nhân vật. Điều này trước hết đòi hỏi người nghệ sĩ phải cảm thụ sâu sắc những hiện tượng sinh động đa sắc màu của cuộc sống, đồng thời phải biết rung cảm, những hiện tượng sinh động đa sắc màu của cuộc sống, đồng thời phải biết rung cảm, đồng cảm trước những số phận, những mảnh đời của con người…”

Ths. Trịnh Quốc Minh cho rằng, tính cách nhân vật được xây dựng chủ yếu thông qua bốn yếu tố: ngoại hình (hình thể, trang phục, cử chỉ, tác phong, diện mạo…); nội tâm (tâm lý, suy tư, tình cảm…); ngôn ngữ (là lời nói, ngôn ngữ trong tác phẩm múa là động tác, tạo hình, diễn xuất, trình độ kỹ thuật…) và hành động. Để tường minh những lập luận của mình, Nhà giáo ưu tú, Ths. Trịnh Quốc Minh đã trình chiếu vở ballet Tên cướp biển – CORSAIR và có những phân tích trong từng phân cảnh cùng các chia sẻ thêm.

1-canh-trong-vo-ballet.jpg
Một cảnh trong vở ballet “Tên cướp biển – CORSAIR”

Vở ballet Tên cướp biển – CORSAIR được sáng tác dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của Byron, năm 1814. Kịch bản múa của J. Saint-Georges và Joseph Mazilier; âm nhạc của Charles Adophe Adam; do Jules Perrot và Marius Petipa biên đạo múa. Câu chuyện diễn ra trên eo biển Bosphorus vào đầu thế kỷ 19. Chuyện bắt đầu từ cảnh chiếc thuyền buồm của những tên cướp biển gặp bão và trôi dạt vào bờ. Ba tên cướp biển may mắn sống sót sau trận bão và được các cô gái bản địa cứu giúp qua cơn đói khát. Nàng Medora bản địa đã dành tình cảm đặc biệt cho Conrad – thủ lĩnh nhóm cướp biển - và anh ta cũng thú nhận về thân phận của mình.

Các cô gái đã tìm cách che chở ba tên cướp biển khỏi nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ vốn là đám người buôn nô lệ. Nhưng cuối cùng tất cả đều bị bắt đi. Các cô gái bị đem bán cho đám đại gia vùng eo biển Bosphorus. Những tên cướp biển đã tìm cách trốn thoát và thề rằng họ sẽ cứu các cô gái khỏi tay buôn nô lệ.

ballet...jpg
Một cảnh trong vở ballet “Tên cướp biển – CORSAIR”

Bằng nhiều mưu kế, những tên cướp biển đã giành lại được các cô gái. Nhưng rồi xung đột xảy ra giữa chính những tên cướp biển khi Conrad muốn trả tự do cho các cô gái là bạn của Medora khỏi kiếp nô lệ trong khi những tên cướp biển lại muốn giữ các cô gái lại cho mình. Một âm mưu lật đổ Conrad và cuộc chiến xảy ra…

Nhà giáo ưu tú Trịnh Quốc Minh cho biết thêm: “Ballet Corsair là một trong 10 vở kịch múa nổi tiếng được khán giả yêu thích nhất và có sức sống lâu bền nhất với thời gian. Quá trình dàn dựng vở ballet Corsair được cho là tốn kém nhất diễn ra tại Nhà hát Bolshoi Matxcova vào năm 2007. Chi phí dàn dựng phiên bản ước tính khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ.

Ngược dòng lịch sử, buổi ra mắt đầu tiên của vở ballet Corsair được tổ chức vào năm 1856 tại Paris, khi đó vé phải đặt mua trước hơn 5 tháng. Trong 29 năm liên tục tính từ năm 1899 đến 1928, vở ballet Le Corsaire đã được biểu diễn trên sân khấu của Nhà hát Mariinsky của nước Nga 224 lần”. Ông cũng nhấn mạnh, dù đã qua 2 thế kỷ với nhiều tác phẩm nổi tiếng khác ra đời nhưng Corsair vẫn được vinh danh là 1 trong 10 vở ballet kinh điển hay nhất và vẫn tỏa sáng trên sân khấu của nhiều nhà hát ballet trên thế giới.

NSND Nguyễn Ngọc Anh hi vọng những chia sẻ trong buổi tọa đàm sẽ giúp góp phần trang bị kiến thức, năng lực sáng tạo; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các hội viên trong lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp vì mục đích xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại./.

Yến Ly