Du lịch bốn phương

Xứ Mường ngoại ô Hà Nội: khai phá tiềm năng du lịch cộng đồng

Hải Hoa 02/08/2023 20:05

Đông Xuân và Phú Mãn là 2 xã miền núi của Thành phố Hà Nội với dân tộc Mường chiếm đa số, nền kinh tế trước kia trồng trọt, chăn nuôi là chủ yếu. Song các vùng đất xứ Mường của Thủ đô 4 năm trở lại đây đang tận dụng lợi thế sẵn có để “đánh thức” du lịch cộng đồng.

Tiềm năng phát triển du lịch của xứ Mường

Xã Phú Mãn và Đông Xuân (huyện Quốc Oai) nằm ngay cạnh nhau, cách trung tâm Hà Nội gần 30km. Cả hai địa phương này phần lớn dân cư là người dân tộc Mường (Phú Mãn 87,9%, Đông Xuân 80%), cùng các dân tộc Kinh, Thái, Nùng…sinh sống hòa thuận. Nhờ những chính sách của xã miền núi được hưởng như chương trình 135, Kế hoạch 253 của Thành phố Hà Nội, sự quan tâm của huyện Quốc Oai nên đời sống tinh thần và vật chất của người dân xứ Mường ngoại ô Hà Nội ngày một được cải thiện, nâng cao.

du-lich-muong.jpg
Xã Đông Xuân và Phú Mãn với cư dân chủ yếu người dân tộc Mường, có địa hình bán sơn địa, không khí trong lành là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng.

Trong giai đoạn hiện nay, với mục tiêu “phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, cả hai địa phương đang từng bước khai thác thế mạnh sẵn có để làm du lịch cộng đồng, sinh thái, trải nghiệm. Thực tế cho thấy, Đông Xuân và Phú Mãn có các điều kiện để phát triển các loại hình du lịch vừa nêu. Bởi vùng đất này có địa hình bán sơn địa, với những con đường quanh co uốn lượn nên thơ không kém gì những cung đường lên các điểm du lịch nổi tiếng ở nước ta như Sa Pa (Lào Cai), bản Lác (Hòa Bình).

Cùng đó, Đông Xuân và Phú Mãn có các sườn đồi thoai thoải đan xen những nếp nhà, bức tường đá uốn lượn, hồ, suối còn hoang sơ và khí hậu mát mẻ, trong lành. Hạ tầng kỹ thuật tại hai vùng đất xứ Mường hiện cũng đã đảm bảo, đường nhựa và bê tông hóa từ các trục chính đến đường liên thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như giao thương, giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế. Phú Mãn và Đông Xuân cũng đều có các đội văn nghệ biểu diễn cồng chiêng của dân tộc Mường.

du-lich-muong-2.jpg
Dịp hè, nhiều gia đình cho con em du lịch trải nghiệm các homestay tại Phú Mãn.

“Cư dân chủ yếu là dân tộc Mường, tập quán sinh hoạt, kinh tế đều mang đậm dấu ấn người Mường nên bản sắc văn hóa của địa phương là của dân tộc Mường. Địa phương hiện khuyến khích người dân làm du lịch, nhất là du lịch cộng đồng vì tiềm năng sẵn có tại địa phương”, ông Đinh Công Nhật, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn chia sẻ.

Trong khi đó, ông Bùi Văn Sâm, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân cho biết, ngoài lợi thế về địa hình, bản sắc văn hóa Mường người dân địa phương rất thân thiện, hòa đồng, dễ gần và mến khách. “Xã vừa triển khai kế hoạch chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường để tạo cảnh quan đẹp, phục vụ phát triển du lịch tại địa phương", ông Bùi Văn Sâm, chia sẻ.

Những viên gạch đầu tiên

Đặt chân đến Đông Xuân và Phú Mãn hiện nay không khó để thấy bên cạnh những nếp nhà dân, các homestay, điểm du lịch cộng đồng, trải nghiệm đã được xây dựng tại nơi đây. Khoảng 3 năm nay, hai địa phương này đã xuất hiện các mô hình phát triển du lịch cộng đồng được du khách khắp nơi tìm đến.

du-lich-muong-5.jpg
Hoạt động trải nghiệm của du khách tại Homely Land ở thông Đồng Bồ, xã Đông Xuân.

Tại xã Đông Xuân, hiện có khoảng 10 hộ gia đình làm dịch vụ homestay, đáng chú ý có Homely Land do gia đình anh Mai Văn Đoàn làm chủ với hơn 4.000 m2. Homestay này tọa lạc tại một khu đồi cao hướng ra hồ Đồng Bồ, được đầu tư khoảng 3 tỷ đồng gồm 11 phòng kiên cố cho du khách thuê và nhiều lều lớn nhỏ di động để mọi người có thể dựng ngoài trời hít thở không khí trong lành. Tại cơ sở của gia đình anh Đoàn có nhiều dịch vụ cho du khách như hoạt động leo núi, lội suối và tắm suối còn có không gian rộng để tổ chức các trò chơi tập thể, phục vụ âm nhạc tại sân khấu nhỏ ngoài trời. Homely Land cũng mang tới cho du khách đến trải nghiệm những món ăn đặc sản dân tộc Mường như mâm cỗ lá, gà nấu măng chua, trâu nướng lá bưởi, cá suối hấp, rau rừng xào, rượu cần...

“Thường du khách đến đây du lịch trải nghiệm vào cuối tuần, có khi khách lẻ, hộ gia đình hoặc các nhóm bạn trẻ. Khi cao điểm, cơ sở của chúng tôi không còn phòng để khách ở lại. Có thể lâu nữa chúng tôi mới hoàn vốn đầu tư nhưng tôi thấy du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại Đông Xuân rất tiềm năng. Gia đình tôi có thuê người sống tại địa phương làm việc, thu nhập của họ thường khoảng 9 triệu đồng/tháng”, anh Mai Văn Đoàn chia sẻ.

Tại Đông Xuân, thôn Đồng Bèn, gia đình trưởng thôn Bùi Văn Quyền cũng làm homestay. Theo anh Quyền, thấy địa hình tại khu mình đang ở có thể làm du lịch, được chính quyền xã khuyến khích, gia đình anh cũng tìm hiểu mở homestay. Tại điểm du lịch của gia đình anh Quyền, du khách được ở trong nhà sàn sát vách núi, được nhìn ngắm làn suối và nghe tiếng nước chảy róc rách, được cắm trại, leo núi, ngắm thác, lội suối...và hòa mình vào không gian thiên nhiên trong lành tại xứ Mường của Thủ đô. Tới đây, du khách cũng được thưởng thức tiết mục biểu diễn trang phục Mường, múa cồng chiêng... do người dân bản địa trình diễn nếu có nhu cầu.

du-lich-muong-6.jpg
Khách quốc tế trải nghiệm ẩm thực địa phương tại homestay Little Bee House, thôn Cổ Rùa, xã Phú Mãn.

Di chuyển sang xã Phú Mãn, cũng không khó để thấy những homestay ở những chân núi. Tiêu biểu là homestay Little Bee House tại thôn Cổ Rùa do chị Hà Huyền My làm chủ. Với tổng diện tích hơn 3.000 m2 cùng số tiền đầu tư gần 10 tỷ đồng, homestay của chị My có hơn chục phòng nghỉ lớn nhỏ, có thể đón cùng lúc 70 du khách. Các công trình tại homestay Little Bee House đa số được làm bằng các vật dụng thân thiện môi trường như tre nứa, gỗ…Phòng nghỉ cạnh hồ nước, rặng tre, ruộng ngô, vườn trái cây của nhà dân bản địa. Ngoài nghỉ dưỡng, hòa mình vào hoa lá cỏ cây, du khách có thể tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể để tạo sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

Không dễ nhưng nỗ lực để phát triển nhanh, bền vững

Mặc dù đã có những viên gạch đầu tiên trong hoạt động du lịch cộng đồng, trải nghiệm nhưng hai xã miền núi xứ Mường của Thủ đô gặp không ít khó khăn để du lịch địa phương "bứt phá".

“Người dân rất muốn làm du lịch nhưng chưa biết cách làm thế nào cho hiệu quả. Mọi người đang trồng lúa, trồng cây, đi nương rẫy giờ chuyển sang làm du lịch cũng bỡ ngỡ. Dù một số hộ có tham gia lớp tập huấn nhưng ngắn ngày cũng khó để khơi thông cách làm ngay được. Tuy nhiên huyện Quốc Oai và chính quyền xã vẫn khuyến khích bà con nỗ lực cố gắng, phát huy tính sáng tạo cùng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để phát triển du lịch trên địa bàn xã”, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mãn ông Đinh Công Nhật, chia sẻ.

du-lich-muong-4.jpg
Các điểm du lịch sinh thái, cộng đồng tại 2 xã miền núi Đông Xuân và Phú Mãn đang là điểm đến của nhiều bạn trẻ.

Đại diện chính quyền xã Đông Xuân cũng cho biết việc phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm tại địa phương gặp những khó khăn. Để định hướng cụ thể, UBND xã đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng kết hợp bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn xã Đông Xuân. Trong đó, xã Đông Xuân sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác xã hội hóa du lịch, đảm bảo sự tham gia của các thành phần kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng dân cư tham gia hoạt động kinh doanh, phát triển du lịch bền vững.

Xã Đông Xuân sẽ lựa chọn địa điểm, quy hoạch sử dụng đất và các thủ tục liên quan theo quy định của pháp luật để triển khai, xây dựng các mô hình Homestay và sử dụng các Homestay sẵn có tại 2 thôn Đồng Bèn và thôn Viên Nam. Tổ chức tập huấn, đào tạo nguồn lao động du lịch trực tiếp tại địa phương. Cùng đó, xã sẽ thu thập các hiện vật của dân tộc Mường để trưng bày hiện vật có giá trị văn hóa của dân tộc tại Nhà văn hóa cộng đồng.

Tổ chức đoàn công tác học tập các mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Bản Lác và Bảo tàng không gian văn hóa Mường tại tỉnh Hòa Bình. Xã cũng sẽ xây dựng nội dung và in tập gấp quảng bá về hình ảnh du lịch của xã Đông Xuân tới đông đảo người dân và du khách./.

Hải Hoa