Chuyển động Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi): Cần có quy định đặc thù, vượt trội để đột phá

Đình Thế - Thu Trang 01/08/2023 14:40

Sáng 1/8, Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Sở Tư pháp Hà Nội và trường Đại học Luật Hà Nội đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu, bao gồm đại diện của Văn phòng Quốc hội, Một số Ủy ban của Quốc hội và Hội đồng dân tộc, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ban Dân nguyện và Ban Công tác đại biểu; Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương; Hội đồng Lý luận Trung ương; thành viên Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Thủ đô; đại diện các sở, ban, ngành Thành phố...

4e8c36e20607d5598c16.jpg
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.

Đại biểu TP Hà Nội có sự tham dự của đại diện lãnh đạo: Thành ủy, HĐND, UBND TP; các ban Đảng của TP, các Ban của HĐND; Văn phòng (Thành ủy, HĐND và UBND); các sở, ngành, quận, huyện, thị ủy của TP.

Đặc biệt, hội thảo có sự tham gia, đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng, học viện và đại học trên địa bàn TP Hà Nội.

anh-chup-man-hinh-2023-08-01-luc-13.04.31.png
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội phát biểu đề dẫn Hội Thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Đảng ủy Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Các tham luận khoa học và các ý kiến phát biểu tại hội thảo là căn cứ khoa học quan trọng để các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, từng bước hoàn thiện Luật Thủ đô, thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Hà Nội phát triển văn hiến, văn minh, hiện đại có chất lượng cuộc sống cao ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

“Để đạt được mục tiêu này việc hoàn thiện thể chế mà trọng tâm then chốt hoàn thiện Luật Thủ đô là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Đây cũng chính là cơ hội để Thủ đô của chúng ta bứt phá phát triển”, ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh.

Hội thảo đã nhận được 48 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý thuộc các Trường Đại học, Cao đẳng và Học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, có 11 tham luận được trình bày trực tiếp tại Hội thảo. Các tham luận tập trung góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trên 9 nhóm chính sách lớn như: Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thu hút, sử dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực tài chính - ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của Thủ đô; phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông; xây dựng, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, quản lý sử dụng đất đai; đào tạo giáo dục Thủ đô và phát triển văn hóa; huy động, sử dụng, phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển hệ thống y tế hiện đại và hệ thống an sinh xã hội Thủ đô toàn diện, bao trùm và bền vững; liên kết, phát triển vùng Thủ đô trở thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, văn minh, năng động, trở thành khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhất trí việc sửa đổi Luật Thủ đô là cần thiết để giúp Hà Nội tháo gỡ những hạn chế, bất cập hiện nay, đồng thời tạo hành lang pháp lý thống nhất nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô.

18e759b16954ba0ae345.jpg
TS Chu Văn Hùng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Luật Hà Nội TS Chu Văn Hùng cho biết, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức thông qua kết quả nghiên cứu chuyên sâu của các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học tại các trường đại học, cao đẳng, học viện chuyên ngành trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đó, cung cấp, bổ sung các luận cứ khoa học trên nhiều lĩnh vực trọng yếu của Thủ đô, góp phần cùng các cơ quan chức năng hoàn thiện Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu phát triển mới của Thủ đô Hà Nội”.

Ngoài ra, Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)” được tổ chức còn nhằm tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về nhận thức, quan điểm, quá trình triển khai xây dựng, đề xuất các chính sách trong xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Hoàn thiện thể chế trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng để phát triển Thủ đô Hà Nội là yêu cầu bức thiết hiện nay, đồng thời với quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, nhu cầu hình thành các đô thị vệ tinh cũng mang tính tất yếu khách quan để phát triển Thủ đô trong tương lai.

Hà Nội là đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương, là trung tâm chính trị - hành chính; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ… của đất nước có lịch sử hàng ngàn năm với nhiều sắc thái văn hóa. Các đặc trưng đó chi phối đến quy hoạch, thiết kế mô hình và phương thức quản lý Thủ đô. Vì vậy, Hà Nội chịu tác động của hệ thống quản lý theo trục dọc và trục ngang; đồng thời Thủ đô Hà Nội là điển hình cho sự tương tác giữa Trung ương và địa phương, trung tâm và ngoại vi. Đặc trưng này là cơ sở để Đảng chủ trương và thể chế trong Dự thảo Luật Thủ đô về “Đô thị vệ tinh” – TS Chu Văn Hùng nhấn mạnh./.

Đình Thế - Thu Trang