Người Dao ở Tam Kim làm cách mạng
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 11:50, 11/01/2021
Bà là cái cây của núi rừng, cây cho hoa thơm, trái quý, những chuyện bà kể về khoảng 80 năm trước đã có khi quên, nhưng người trong bản làng, người ở địa phương, người dưới Thủ đô luôn còn nhớ và ghi lại. Bởi nó gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp của dân và quân trên địa bàn này. Bà là cán bộ lão thành cách mạng Bàn Thị Chủ, người dân tộc Dao Tiền, xóm Nà Mìn, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Bà Bàn Thị Chủ - cán bộ lão thành cách mạng ở xóm
Nà Mìn, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Ngày xa xưa ấy, núi rừng Cao Bằng những tưởng vẫn ngủ yên trong mây, trong sương mùa đông lạnh, bên bếp lửa mẹ và con gái cứ mải nấu ăn hay quay sợi, đám con trai hát ví gọi bạn da diết thây kệ gió lạnh. Thế nhưng giặc Pháp lên núi khiến cuộc sống của bản làng dân thuộc địa cũng khác. Người trong bản lo sợ, sống lầm lũi qua ngày.
Như dòng nước róc rách ẩn mình trong đá núi, trong những tán cây rừng, như những tia nắng len lỏi qua tán lá rậm, có những người dưới Thủ đô đã chọn Tam Kim để gây dựng cơ sở chống Pháp. Khu căn cứ địa Quang Trung được ra đời dưới sự dẫn dắt, gây dựng phong trào của anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp).
Nhưng họ là ai, họ làm gì trong rừng ngày ấy thì những người còn quá trẻ như bà Chủ không thể được biết. Nhưng cấp trên tin cô gái bản tuổi còn chưa đầy 18 này, nên đã giao nhiệm vụ. Nhiệm vụ của cách mạng, cô Chủ chỉ biết vậy và gắng làm cho tốt. Cụ thể là cô sẽ nấu cơm, cho vào gùi, như thể đem cơm đi làm nương rẫy, hay vào rừng kiếm củi đi tiếp tế. Đến điểm hẹn, nhìn trước, nhìn sau, không có ai thì đặt đồ ăn vào đó. Khi cô Chủ đi khuất sẽ có người ra lấy đồ ăn ấy đem vào rừng sâu. Nhà cô Chủ, cũng như mọi nhà trong bản còn nghèo đói, nhưng phục vụ cách mạng, phục vụ Đảng thì bố mẹ cô không bao giờ tiếc. Đồ ăn mang đi khi là cơm trắng, con gà luộc, rau củ xào nấu thật sang, nhưng có lúc chỉ là gói khoai, gói sắn vì nhà cũng chỉ ăn qua bữa như thế. Cô gái nhỏ cứ cặm cụi đi về với công việc được giao, không một lần gặp người nhận đồ ăn của mình, cũng không hề biết có một số người trong bản đang làm việc như cô.
Mãi sau này cô Chủ và những người trong bản mới hiểu rằng đã góp phần nhỏ bé của mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp. Cán bộ nói: “Nếu không có tấm lòng của nhân dân, không có những người sẵn sàng chia sẻ, đóng góp cho cách mạng thì khó có thể việc lớn thành công. Người Tam Kim tham gia kháng Pháp ngay từ những ngày đầu, Đảng và Chính phủ luôn ghi nhớ’’, làm những người như cô cảm động lắm. Như cái cây hướng về mặt trời, như bông hoa tỏa hương sắc cho đời, cô cặm cụi làm và nuôi hi vọng đánh đuổi giặc Pháp xong, làng bản sẽ hết khổ, không còn đói rét, đất nước sẽ được độc lập, tự do.
Cô Chủ trở thành “hạt giống đỏ” của núi rừng, cô vui và tự hào vì điều đó. Hội “Cứu tế đỏ” ra đời, cô Chủ ở Tam Kim đã là người đi đầu gia nhập hội, thu quỹ ủng hộ chiến trường. Người miền núi góp quỹ chẳng có nhiều tiền của mà là gạo, thịt, gà... đồ ăn, nhu yếu phẩm phục vụ bộ đội, phục vụ những người làm cách mạng. Mỗi người một tính cách, một hoàn cảnh, nhưng chị em không nề hà việc, không tiếc tài sản trong nhà mà luôn sẵn sàng nuôi quân. Cách mạng đạt được những thành quả trên địa bàn có công không nhỏ của những người phụ nữ cặm cụi, chân thành như cô Chủ.
Đầu tiên là tập hợp chị em trong bản, tuyên truyền những bài vè Tày, vè Dao cho chị em, để sau đó lan truyền trong dân, để dân bản trên, bản dưới hiểu công cuộc kháng chiến chống Pháp của Đảng và Bác Hồ, hiểu để chung tay đóng góp sức người, sức của. Những câu vè giản dị, dễ hiểu, đi vào lòng dân như giọt nước thấm đất để cây nảy mầm, để mùa màng đúng vụ, người trong bản thuộc lời, hiểu và đi theo cách mạng cùng đánh Pháp. Sự ra đời của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, của chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần có một sự chuẩn bị công phu, phản công chính xác là bởi có một điểm tựa vững vàng thế trận lòng dân, từ những người như bà Chủ và chị em phụ nữ trong bản.
Nhà tưởng niệm trong Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo ở xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
Phải thật lâu sau đó khi cách mạng thành công, núi rừng mang hơi thở mới, mang tâm thế vui mừng như chủ nhân chiến thắng bà Chủ mới biết những gói thức ăn bà để trong lán trại, hay dưới gốc cây trong rừng là dành cho đại tướng Võ Nguyên Giáp và các vị lãnh đạo đầu não của cuộc kháng chiến. Bà thật không ngờ mình đã làm được việc hữu ích cho cách mạng, đã tham gia đánh Pháp từ ngày ấy.
Là cánh chim đầu đàn của hội “Cứu tế đỏ”, cánh chim yêu núi rừng, cánh chim mang ước vọng tự do, bà đã mang ước vọng tự do, độc lập đến với những phụ nữ bản Dao trên núi Nguyên Bình bằng cách giản dị và hiệu quả ấy.
Kết thúc kháng chiến chống Pháp, cán bộ, bộ đội về xuôi, bà Chủ cũng lại bận bịu với ruộng nương của mình. Về xuôi, người tiếp tục cuộc kháng chiến trường kì chống Mỹ cứu nước, người bận việc nước, việc gia đình, nhưng cũng không ai quên những ngày nếm mật nằm gai, không ai quên những củ khoai người Tam Kim đưa ra lán nuôi quân, quên sao được những bữa cơm gà bà con đã đãi người cán bộ chưa hề biết mặt trong rừng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những người luôn nhớ Tam Kim, luôn biết ơn bà Chủ.
Tôi nhớ lần đến Tam Kim hơn mươi năm trước, khi đoàn chuẩn bị rời khu di tích Phai Khắt, bà Chủ khóc nhiều vì biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất. Sau đó, bà đem đến 1 túi quýt nhỏ mà bà tự hái trong vườn nhà, nhờ đoàn đưa về cho vợ Đại tướng thắp hương cho ông. Anh Bàn Tuấn Năng, cháu của bà đi cùng đoàn đã đích thân đem đến nhà riêng của Đại tướng, nhờ các chú cận vệ thắp hương. Tình của người Dao với cách mạng giản dị và thiêng liêng là thế.
Thật lâu sau, tôi có dịp gặp lại, như thể bà đã không già hơn nữa, bà như cổ thụ nơi núi rừng, bà như cây quế thơm của đất Tam Kim. Vẫn một lòng với Đảng sắt son, không đòi hỏi một ưu đãi nào cho mình hay con cháu trong nhà. Đất nước hòa bình, độc lập, tự do là vui lắm rồi, bà hiền hòa trong núi rừng, nhận những ưu đãi của thiên nhiên và bồi đắp cho thiên nhiên bằng bàn tay lao động của mình. Chuyện xưa là những kỉ niệm đẹp, tự hào không chỉ của bà và gia đình mà còn của Tam Kim, Nguyên Bình.
Phai Khắt, Nà Ngần còn đó với những trang sử của lịch sử kháng chiến chống Pháp, người trở lại thưa dần, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã đi xa, hội “Cứu tế đỏ” năm xưa cũng chỉ còn có bà. Bà tai điếc, chuyện xưa như cuốn sách cũ, phải lật giở thật chậm, ngược dòng thời gian gợi mở dần bà mới có thể nhớ lại. Những câu vè xưa thuộc làu, giờ cũng chỉ nhớ được dăm câu. Bà cười hiền hòa bảo:
- Vè dài và hay lắm, nhưng bà quên nhiều rồi. Vè hay, đúng thì mới vận động được chị em và bà con trong bản theo kháng chiến, đóng góp nuôi quân chứ.
Lần này bà về Thủ đô mong chữa được mắt, để mắt bà tinh trở lại, nhìn thấy núi, thấy nhà, thấy mặt cháu con được rõ hơn. Nhưng tiếc quá, dù con trai tướng Giáp là Đại tá Võ Hồng Nam đã đôn đáo tìm bệnh viện, tìm thầy thuốc nhưng qua khám xét bác sĩ kết luận bà không thể mổ được nữa. Những điều bà nhìn thấy bây giờ chỉ là những kỷ niệm đẹp trong ký ức xưa thôi. Kỷ niệm với kháng chiến chống Pháp, với khu rừng Trần Hưng Đạo thiêng liêng của quân đội nhân dân Việt Nam, kỷ niệm với Đại tướng và kỷ niệm với chồng bà, ông Bàn Tài Nghiệp, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Nguyên Bình, cũng là cán bộ lão thành cách mạng thủa trước, dù ông đã đi xa hơn 20 năm có lẻ.
Với bà, Thủ đô không xa, Thủ đô luôn trong trái tim bà, người Thủ đô vẫn về Tam Kim mỗi khi, bao giờ cũng nhớ bà Chủ đưa cơm, bà Chủ “Cứu tế đỏ”.
80 năm đủ để cho những thế hệ trưởng thành, 80 năm dặm dài đất nước với những biến cố, đổi thay, thăng trầm. Núi rừng Tam Kim đất Nguyên Bình cây vẫn xanh, lá vẫn thắm, người Tam Kim vẫn một lòng thủy chung nhất với cách mạng, người Thủ đô cũng nặng lòng với tình nghĩa ấy. Tam Kim là một dấu son, thành quả cách mạng, chiến thắng ở đất này chính là những người như bà Chủ.
Mùa đông này, núi rừng đang ngủ chờ sang xuân, cháu con của bà gặt lúa mừng cơm mới lại nhớ ngày xưa. Tôi chép lại đôi điều về Phai Khắt, Nà Ngần, Tam Kim - Nguyên Bình với một tình cảm đặc biệt, với tình cảm biết ơn một người con của núi rừng, đẹp như bông hoa, thơm như cây quế.