Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Trấn Vũ (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 14:30

Đền Trấn Vũ thuộc địa bàn phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

den-tran-vu-lb.jpg
Đền Trấn Vũ thuộc phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.

Thần Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ ở nhiều nơi, trên địa bàn Hà Nội có Trấn Vũ quán ở Quán Thánh (Ba Đình), Huyền Thiên Đại quán ở Thuy Lâm (Đông Anh) và Huyền Thiên Cổ quán ở phường Đồng Xuân...

Theo dân gian kể rằng, vua Lê Thánh Tông đi chinh phạt phương Nam có đóng quân ở Cự Linh, đức vua được Thánh Tổ ứng mộng. Ngài bèn cho lập đền thờ, tượng và bài vị bằng gỗ ghi chữ vàng “Hiển linh Trấn Vũ quán” có từ lúc ấy. Như vậy, đền Trấn Vũ được khởi dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1496).

Hiện nay, đền Trấn Vũ còn lưu giữ 1 tấm bia mang phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVII), văn bia đã mờ, chỉ còn thấy dòng chữ trên trán bia ghi “Cự Linh tự Trấn Vũ quán trùng tu bi ký” (Bia ghi trùng tu chùa Cự Linh và quán Trấn Vũ). Như vậy, vào khoảng thế kỷ XVII, đền Trấn Vũ đã được tu sửa.

Trên tổng thể các hạng mục công trình kiến trúc hiện nay thì ngôi đền Trấn Vũ được tu sửa và xây dựng lại hoàn toàn vào thời Nguyễn. Đền được trùng tu lớn vào năm 2006 - 2007.

Đền Trấn Vũ được xây dựng trên một địa thế cao, rộng và được làm quay về hướng bắc. Đền Trấn Vũ bố cục trong tổng thể tiền Thần hậu Phật nhưng chùa đã bị đổ nát. Kiến trúc của đình có 2 toà hình chữ “nhị” và có đuôi về hai tầng nối đằng sau. Sau Tiền đường là Trung đường 5 gian 2 dĩ. Trên các bức cốn chạm rồng mây, đây còn là nơi đặt ngai, tượng võ sĩ đá và tượng Phật ở các nơi mang về đều có niên đại cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Sau cùng là Thượng cung nối với Trung đường bằng một phà cầu. Thượng cung gần vuông, xây 2 tầng 8 mái khá đẹp. Đây là nơi đặt pho tượng đồng Trấn Vũ cao 3,8m, chu vi 8m, nặng 9 tấn. Tượng trong tư thế ngồi buông chân, mắt nhìn thẳng, tay phải đặt trên đốc kiếm chống lên lưng rùa, tay trái bắt quyết giơ ngang ngực. Diềm áo đúc nổi hoa lá, bố tử chạm hình long mã, các nếp áo bó sát thân nhưng vẫn mềm mại tạo cho tượng sống động đầy uy lực. Hai bên tượng Trấn Vũ có hai hàng tượng 10 vị nguyên soái bằng đất đứng chầu. Chính giữa phía sau tượng có bài vị khắc chữ Hiển linh Trấn Vũ quán. Theo tấm bia ký ở đền cho biết: trải qua 14 năm từ năm 1788 đến năm 1802 nhân dân ở đây mới đúc xong tượng. Có thể nói tượng đồng Trấn Vũ là một tuyệt tác của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam thời Tây Sơn. Xét về kích cỡ tượng đứng hàng thứ 2 chỉ sau pho tượng Phật ở chùa Ngũ Xã.

Tại đền Trấn Vũ, hàng năm vào ngày 3 tháng ba âm lịch được tổ chức lễ hội gắn với ngày sinh của ngài, ngày 9 tháng chín âm lịch là ngày hoá của ngài. Ngoài nghi thức thì lễ hội đền Trấn Vũ có một trò chơi dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co luồn dây qua lỗ cột. Đây là trò chơi hiếm thấy ở nơi khác, góp phần hào hứng không nhỏ vào lễ hội.

Đền Trấn Vũ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)