Danh thắng & Di tích Hà Nội

Miếu Tràng An (huyện Chương Mỹ)

Sơn Dương (t/h) 31/07/2023 14:20

Miếu Tràng An thuộc địa phận Thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Tràng An là một trong 3 thôn của xã Ngọc Sơn (nay thuộc thị trấn Chúc Sơn) gồm Chúc Sơn, Giáp Ngọ và Tràng An. Miếu Tràng An nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km về phía tây nam. Nếu từ Hà Đông theo đường Quốc lộ 6A qua cầu Mai Lĩnh rồi đi tiếp khoảng 2 km là tới di tích.

Miếu thờ thành hoàng làng là tướng quân Lý Triện - một danh tướng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Ông quê gốc ở Thọ Xuân, Thanh Hoá. Đương thời khi phò tá Lê Thái Tổ, ông được ban quốc tính họ Lê, vì vậy có sách ghi tên là tướng quân Lê Triệu.

Theo cuốn Khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427) do Giáo sư Phan Huy Lê và Phan Đại Doãn biên soạn, thì hoạt động chủ yếu của tướng quân Lý Triện là tại vùng đất Tràng An. Theo tư liệu Hán Nôm hiện đang lưu giữ di tích cùng các truyền thuyết, hồi ức của nhân dân địa phương đã ghi nhận sự có mặt của vị tướng tài lược Lý Triện. Nhất là trong trận Ninh Kiều, Nhân Mục, Xa Lộc được sử sách ghi chép khá nhiều. Tướng Lý Triện sau khi cùng quân tướng Lam Sơn và nhân dân Tốt Động, Yên Thế đánh thắng 5 vạn quân Minh dưới quyền chỉ huy của tổng binh Vương Thông thì tiếp tục truy đánh quân Minh để vây thành Đông Quan. Không ngờ trong một lần đóng quân tại phía nam Đông Quan, cả hai tướng Đỗ Bí và Lý Triện đều bị quân Minh ra phục đánh một trận bất ngờ.

Quân ta bị thua thiệt trận đó. Tướng Đỗ Bí bị giặc bắt, mãi sau khi trao trả tù binh mới thả ra; Tướng Lý Triện thì bị chém ngang đầu, đầu rơi xuống đất. Tướng Lý Triện bèn cúi nhặt rồi gắn lên cổ mình, đoạn giục ngựa đi theo đường lai kinh từ Đông Quan về Tốt Động, đến bờ sông Hát, tướng Lý Triện hỏi một người nông dân rằng: Người bị chém đứt đầu rồi thì có sống được không? Người nông dân đã trả lời: Người bị chém đầu thì không sống được. Vừa trả lời xong thì thấy trên cổ vị tướng, nơi ông ta đang lấy tay giữ chặt đầu cho khỏi rơi ra ngoài cái cổ, rớt ra một giọt máu, người nông dân hoảng sợ quá liền vái lạy. Tướng Lý Triện lại giục ngựa đi theo bãi cát pha ven sông Hát. Đến một quãng đồng cát ven sông, nơi chiến trận Ninh Kiều đã diễn ra cách đó mấy tháng, tướng Lý Triện lại gặp một người nông dân và lại hỏi một câu như trước, người nông dân thản nhiên trả lời: Người bị chém đứt đầu thì không thể sống được. Đột nhiên người nông dân thấy ở cổ vị tướng rớt ra một giọt máu, và ngài hoá.

Ngoài ra, sự tích về miếu Tràng An có một điều kỳ lạ vì di tích có một giếng nước xanh trong quanh năm như là dấu tích hoạt động của nghĩa quân Lý Triện còn hiển hiện, thiêng liêng.

Ngôi miếu dựng trên khu đất cao nhìn về hướng tây bắc. Hiện tại, ngôi miếu gồm các hạng mục công trình chính như sau: Nghi môn, bức bình phong, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn được làm theo kiểu một lối đi chính, hai trụ biểu đồ sộ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, tiếp đến là sập hổ phù, xuống dưới là ô lồng đèn, thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp các đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi công đức thành hoàng và cảnh quan di tích. Từ Nghi môn, theo đường trục chính vào Đại bái ta gặp bức bình phong. Bức bình phong làm theo kiểu cuốn thư, diềm trên chạm lưỡng long chầu nguyệt, bên dưới đắp hổ phù, chính giữa đắp bốn chữ Hán. Hai bên bức bình phong là hai cột đồng trụ nhỏ, bên trên đắp tứ phượng chầu, tiếp đến là ô lồng đèn. Đại bái được cổ nhân làm ba gian nhà ngang, tường xây hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đỉnh, cuối bờ chảy xây giật cấp bằng vôi vữa, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đỉnh. Vào bên trong, tương ứng với ba gian là bốn bộ vì đỡ mái trên mặt bằng bốn hàng chân cột, các bộ vì đỡ mái toà Đại bái được làm thống nhất theo một kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền, bẩy”.

Hiện nay, di tích còn lưu giữ được những hiện vật như 1 bộ long ngai bài vị thời Nguyễn, 1 chuông đồng, 1 quán tẩy... Hằng năm cứ vào ngày 13 đến ngày 16 tháng giêng âm lịch, nhân dân lại mở hội để tưởng nhớ tới công đức của thành hoàng, tướng quân Lý Triện xưa.

Miếu Tràng An đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)