Tác giả - tác phẩm

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở về "yên ngủ dưới khung trời cỏ hoa”

Hà Oai 01/08/2023 08:57

Đêm thơ nhạc tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường  - Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ trở về để "yên ngủ dưới khung trời cỏ hoa” diễn ra tại Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (TP Huế).

1.jpg
Đêm thơ nhạc tưởng niệm Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.

Tối ngày 31/7, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (01 Phan Bội Châu, TP Huế) phối hợp cùng gia đình tổ chức Đêm thơ nhạc tưởng nhớ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Nhà Thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và ban tổ chức giới thiệu một số tác phẩm thơ, nhạc của hai vợ chồng thi nhân sác tác.

“Tôi cảm thấy tôi tự hào tôi là em chị Dạ, học trò thầy Tường”

Trong vòng 18 ngày, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ (6/7/2023) và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (24/7/2023) lần lượt rủ nhau về thế giới “hồn đầy hoa cúc dại” như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ viết và “đi về phía con đường cỏ lau” như lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng đoán trước.

“Anh em văn nghệ sĩ Huế trong những ngày qua đã chuẩn bị để đón hai vợ chồng thi nhân trở về để "yên ngủ dưới khung trời cỏ hoa” với cả tấm lòng yêu kính”- Đó là lời phát biểu tri ân của nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế trong Đêm thơ nhạc tưởng nhớ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (01 Phan Bội Châu, TP Huế) đông đảo văn nghệ sĩ và người yêu văn thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tập trung lắng nghe 15 bài thơ, nhạc là sáng tác của hai vợ chồng thi nhân do các văn nghệ sĩ Thừa Thiên – Huế thể hiện trình diễn trong đêm tưởng nhớ như ca khúc “Khúc hát ru người mẹ trẻ” (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ và nhạc Phạm Tuyên), ngâm bài thơ “Mẹ ngày xưa”, bài hát “Tình ca mặt trời” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhạc Anh Thuyên), bài thơ “Một ngày bỗng nhớ một ngày”, bài thơ “Kinh cầu trong mưa”, bài thơ “cho anh tựa vào em” hay ca khúc “Romance cho anh” (thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhạc Phú Quang)…

Cũng trong chương trình Đêm thơ nhạc tưởng nhớ Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường, một số văn nghệ sĩ Thừa Thiên – Huế cùng tham gia hoạt động cách mạng và văn thơ… trước đây đã có những phát biểu cảm tưởng như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà văn Tô Nhuận Vỹ, nhà thơ Võ Quê, nhà văn Nguyễn Quang Lập…

Một trong những lời phát biểu cảm tưởng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm nói về sự thương tiếc, tài năng của hai vợ chồng thi sĩ tại Đêm thơ nhạc tưởng niệm, “Anh chị em văn nghệ sĩ Thừa Thiên – Huế và kể cả những anh chị em văn nghệ sĩ cả nước đã dành thời gian trở về ngôi nhà văn nghệ để chia sẻ về nỗi buồn về sự ra đi của hai nhà thơ, nhà văn hết sức quan trọng với Thừa Thiên – Huế, và chắc chắc còn có quan trọng với văn nghệ trong cả nước đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường và Lâm Thị Mỹ Dạ. Những năm tháng anh chị sống ở đây (Thừa Thiên – Huế - PV) để lại những kỷ niệm không quên đối với tất cả mọi người”.

“Những cuộc tiếp xúc với anh Tường, cho tôi nói rằng anh đã tác động rất nhiều trong đời viết của tôi. Những thông tin về Huế anh biết rất kỹ, rất giỏi và những người học trò của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng ca ngợi người thầy của mình giảng bài tài hoa, tư liệu đầy đủ…" - Nhà thơ Võ Quê nói.

Trong khi đó nhà văn Nguyễn Quang Lập phát biểu tri ân ngắn gọn và rất tự hào bởi có người chị, người thầy như Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường, “Cho đến bây giờ, tôi cảm thấy tôi tự hào tôi là em chị Dạ, học trò thầy Tường. Nhờ là em chị Dạ và học trò thầy Tường đã có một người tên là Nguyễn Quang Lập dù có người thích hay không thích tôi, nếu không có anh chị Dạ Tường sẽ không có Nguyễn Quang Lập bây giờ”.

3.jpg
Nhà Thơ Nguyễn Khoa Điềm phát biểu cảm tưởng tại Đêm thơ nhạc tưởng niệm hai vợ chồng thi sĩ.
4.jpg
Nhà thơ Võ Quê phát biểu cảm tưởng tại Đêm thơ nhạc.
2.jpg
Nhà Văn Hồ Đăng Thanh Ngọc.
8.jpg
Nhà văn Tô Nhuận Vỹ.

Sau khi biết được sự ra đi của hai vợ chồng, nhiều văn nghệ sĩ và công chúng yêu văn thơ đã đến chia buồn, tiếc thương sâu sắc. Qua đó, cho thấy công chúng bạn đọc đã ghi nhận những vẻ đẹp mà các tác phẩm văn học của hai vợ chồng thi nhân Lâm Thị Mỹ Dạ và Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đem lại cho tâm hồn người đọc.

“Người lập ngôn cho văn hoá Huế”

Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng là Uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam, BCH Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế và từng tham gia Ban biên tập Tạp chí Sông Hương từ những ngày đầu. Khoảng sau năm 2005, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ bắt đầu sáng tác nhạc và đã có những ca khúc hay.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là Chi hội phó Chi hội Văn nghệ Giải phóng Trị Thiên – Huế, Tổng thư ký Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên từ 1986 và Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.

Cũng theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế phát biểu tại Đêm thơ nhạc tưởng nhớ cho biết, “những đóng góp cho văn hoá Huế của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là rất quan trọng và xứng đáng với danh xưng “Người lập ngôn cho văn hoá Huế”. Ví dụ, có rất nhiều tác giả viết về sông Hương nhưng phải đến khi bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông” ra đời thì người ta mới có dịp nhận ra vẻ đẹp thiên nhiên của sông Hương một cách trọn vẹn từ nguồn sông ra tới biển và tất cả những gì ông kể về sông Hương đều đẹp đến bất ngờ đến lạ lùng, và vô cùng xao xuyến”.

5.jpg
Nhạc sĩ Lê Phùng thể hiện ca khúc Kinh cầu trong mưa - thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường.
6.jpg
Những các khúc được các nghệ sĩ Huế thể hiện.
7.jpg
Nghệ sĩ ngâm thơ của Lâm Thị Mỹ Dạ.

“Vượt lên tất cả, chữ tình vẫn là điều lớn lao nhất khiến chúng ta ngồi với nhau đêm nay để nhắc lại những câu chuyện văn chương, những câu chuyện nhân bản, nhắc lại những kỷ niệm sương khói với nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ” - nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc cho biết thêm.

Ngày 1/8, tro cốt vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ sẽ được gia đình cùng văn nghệ sĩ đưa từ trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế đi an táng tại Nghĩa trang phía Bắc TP Huế./.

Hà Oai