Văn hóa – Di sản

Diễn xướng dân gian - tập quán xã hội bất biến trong đời sống văn hóa Thủ đô: Bài 4: Đắm say điệu hát ví trên vùng đất xứ Đoài

Hoa Nguyễn 25/07/2023 06:16

“Các cụ kể lại cho chúng tôi, những đêm trăng thanh gió mát tại bến Hàm Rồng bên bờ sông Tích, trai thanh nữ tú trên bến dưới thuyền hát ví đối đáp giao duyên. Qua hát ví đã có những cặp đôi nên duyên vợ chồng”, bà Dương Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) chia sẻ.

hat-vi-5(1).png
Các thành viên Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng (xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai) trình diễn tại Tượng đài Lý Thái Tổ.

Hát ví có ở nhiều nơi tại Việt Nam nhưng hầu như chỉ tồn tại từ miền Trung trở vào và đặc biệt phát triển ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhưng tại miền Bắc và xứ Đoài, xã Tuyết Nghĩa và Ngọc Mỹ (làng Ngọc Than) huyện Quốc Oai mới có hát ví. Đối với hát ví Hàm Rồng xã Tuyết Nghĩa, không ai biết nghệ thuật trình diễn này ra đời tự bao giờ, cũng chẳng ai rõ người sáng lập ra điệu hát làm mê đắm lòng người có ở xứ Đoài.

Làn điệu ví đối đáp, giao duyên độc đáo

Bà Kiều Thị Tuyết (Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng xã Tuyết Nghĩa) năm nay đã ở ngưỡng tuổi 70, chia sẻ, gọi là “hát ví Hàm Rồng” vì xưa kia xã Tuyết Nghĩa có dải đất hình con rồng bên bến sông Tích. Là vùng đất chiêm trũng, tháng Tám âm lịch nước dâng cao, trai thanh nữ tú ở xã đến bến Hàm Rồng của xã hát ví, hát đối đáp nên gọi là “hát ví Hàm Rồng”.

Bà Kiều Thị Tuyết thể hiện một làn điệu hát ví Hàm Rồng nội dung giao duyên, tình yêu đôi lứa.

Thuở nhỏ những buổi ra đồng, bà Tuyết đã được nghe những câu hát ví của các anh chị vang cả cánh đồng. Xưa kia, nam thanh nữ tú trong làng ngày đi làm đồng, tối cơm nước xong kéo nhau ra ngã ba gốc gạo đầu làng có bến Hàm Rồng, các anh thanh niên đi thuyền dưới bến sông hát ví giao duyên với các chị đứng trên bờ. Gặp nhau mọi người cứ thế hát, có khi hát hết đêm với những lời ca hết sức tự nhiên.

Nội dung câu ví rất phong phú nhưng chủ yếu về tình yêu đôi lứa, tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa bạn bè... Thường khi hát ví chia thành hai “đội”, đội nữ khoảng 10 người và đội nam cũng có số lượng như vậy. Trong đội sẽ có một người đại diện đứng ra hát đối với đội bên kia.

“Người hát phải có giọng đẹp và chỉ việc hát, các thành viên còn lại phải sáng tác cho người hát đối lại với đội bên kia. Chẳng hạn hát ví giao duyên, khởi đầu là những câu hát giới thiệu về quê quán, bản thân để đôi nam nữ tìm hiểu nhau. Sau đó đến làn điệu “tán tỉnh” nhau thế nào. Khi yêu nhau rồi thì đôi bên phải về thưa cha mẹ, muốn về chung một nhà lại đến câu hát bố mẹ sang hỏi, thách cưới và câu hát về việc cưới… Cứ thế, những câu hát ví đều có tính liên kết, kể câu chuyện và nối tiếp nhau nên một canh hát ví có thể kéo dài từ đêm đến sáng”, bà Dương Thị Hoa chia sẻ.

Điều đặc biệt, nội dung những câu hát ví được sáng tác trực tiếp, không có kịch bản cũng như văn bản có sẵn. Những người sáng tác câu ví cho “anh cả, anh hai” và “cô cả, cô hai” phải rất nhanh trí, sáng tạo để tìm ra câu hát đối với đội bên kia. Khi khuya quá rồi mà muốn về thì các anh sẽ hát: Anh về bẻ lá cắm đây/ Đến mai anh lại chốn này em chơi. Các chị em sẽ hát đáp lại rằng: Anh về em dặn lời này/ Sông sâu chớ lội đò đầy chớ đi”, các anh tiếp tục chào: Em về anh dặn một khi/ Đường gái thanh vắng chớ đi một mình. Sang ngày hôm sau mọi người lại tiếp tục gặp nhau và hát ví giao duyên. Mỗi câu ví đều mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm chân chất được cất lên từ tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa của người dân Tuyết Nghĩa.

hat-vi.png
Người dân xã Tuyết Nghĩa phục dựng hát ví tại bến Hàm Rồng bên bở sông Tích. (Ảnh: NVCC).

Cùng với đó, hát ví Hàm Rồng không có nhạc nền, không sử dụng các nhạc cụ mà mọi người hát “live” đối đáp nhau bất cần luật (trắc vận), bất thành văn trực tiếp. Các điệu ví chỉ cần sao cho có vần, có điệu và hợp với ngữ cảnh, thể hiện được nội dung, câu chuyện mà đôi bên hướng tới. Điệu ví cũng không có bài bản nào, giống như một hình thức đối thơ, người trước ví, người sau sẽ đối lại. Hát ví Hàm Rồng nghe thoáng qua có thể giống quan họ Bắc Ninh, song sự khác biệt được thể hiện ngay ở cách xưng hô của những người trình diễn. Quan họ Bắc Ninh xưng hô với nhau là “liền anh, liền chị” thì hát ví Hàm Rồng lại xưng hô là “anh cả, anh hai”, “cô cả, cô hai”.

Cần được gìn giữ đúng cách, kịp thời

Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, ông Hoàng Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Tuyết Nghĩa, cho biết, nhằm khôi phục và bảo tồn nghệ thuật trình diễn dân gian hát ví Hàm Rồng, năm 2019 xã đã có quyết định thành lập Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng.

Câu lạc bộ có gần 30 thành viên là những người biết hát ví, sinh hoạt hàng tháng đã thu hút được người dân và một số bạn trẻ tham gia. Các thành viên trong Câu lạc bộ cũng truyền dạy hát ví cho thế hệ sau, từng bước đưa loại hình trình diễn dân gian đi sâu vào đời sống tinh thần người dân. Hiện nay, những lời hát ví, hát đối không dừng lại ở bến nước Hàm Rồng, bờ sông Tích mà trở thành hoạt động văn hóa văn nghệ trong ngày hội đình đám, liên hoan văn hóa văn nghệ, các sự kiện quan trọng của địa phương...

Bà Dương Thị Hoa thông tin thêm, những năm gần đây, Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng cũng được mời tham gia biểu diễn ở các sự kiện văn hóa nghệ thuật của huyện Quốc Oai, xã Tuyết Nghĩa và trình diễn tại tượng đài Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm). Các buổi diễn đều nhận được sự quan tâm, yêu thích của công chúng, góp phần lan tỏa hát ví tới cộng đồng.

Theo Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18/2/2022 của UBND Thành phố Hà Nội về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", hát ví tại huyện Quốc Oai (xã Tuyết Nghĩa, xã Ngọc Than) là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong danh mục "có nguy cơ mai một”.

Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo chính quyền xã Tuyết Nghĩa cũng như các thành viên Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng, chúng tôi được biết địa phương mới trong giai đoạn cố gắng duy trì, phục hồi hát ví. Hiện chưa có ai tại địa phương được phong tặng nghệ nhân, đồng thời công tác sưu tầm, nghiên cứu nhằm khẳng định giá trị nghệ thuật và ý nghĩa của hát ví Hàm Rồng chưa được triển khai. Trong khi đó, những người giữ được các bài hát ví từ thời xưa ngày lớn tuổi và có người đã mất.

Các thành viên Câu lạc bộ hát ví Hàm Rồng vì đam mê, nỗi lòng muốn gìn giữ di sản của cha ông để lại nên tự sưu tầm các bài hát ví xưa nhưng được đoạn hát của nam thì mất đoạn của nữ và ngược lại. Câu lạc bộ cũng tự bỏ kinh phí để mua khăn mỏ quạ, quần áo gụ, nón lá… để duy trì hoạt động biểu diễn. Việc truyền dạy hát ví cho thế hệ trẻ cũng gặp nhiều khó khăn vì theo bà Hoa, nhiều người rất ham và muốn hát nhưng bỏ cuộc vì hát ví không có nhạc, hát chậm như đếm nên khó cuốn hút mọi người. Các bạn trẻ cũng thích các loại nhạc hiện đại, tiên tiến chứ hát ví cũng thiếu mặn mà.

Mong muốn của chính quyền và nhân dân địa phương cũng như tiếng lòng của những nghệ nhân hát ví chính là trong thời gian tới các cấp ngành chuyên môn, các chuyên gia văn hóa về Tuyết Nghĩa để nghiên cứu, sưu tầm hát ví Hàm Rồng, giúp địa phương hệ thống lại diễn xướng dân gian này một cách bài bản, để  người dân Tuyết Nghĩa có thể gìn giữ, bảo tồn hát ví của quê hương xứ Đoài, phát huy giá trị của nó trong sự phát triển của văn hóa Thăng Long - Hà Nội./.

Hoa Nguyễn