Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Tư Đình (quận Long Biên)

Sơn Dương (t/h) 30/07/2023 15:56

Đình Tư Đình còn gọi theo tên xã là đình Cổ Linh, hiện toạ lạc trên khu đất rộng ở khu vực cư trú của làng Tư Đình cổ, nay thuộc tổ dân cư số 4, phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

tu-dinh-dinh.jpg
Đình Tư Đình hiện tại thuộc địa phận phường Long Biên, quận Long Biên, Hà Nội.

Từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn, đình Tư Đình và chùa Sùng Khánh thuộc thôn Tư Đình, xã Cổ Linh, tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Từ năm 1961 đến năm 2003 thuộc huyện Gia Lâm. Năm 2003 thuộc phường Long Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội.

Đình Tư Đình nằm ở đầu làng thoáng mát, phía tả ngạn, cách mặt đề sông Hồng chừng 100m.

Đình thờ 3 vị phúc thần có công với nước, đó là 2 vị tướng tài Đô Hồ và Đại Lã, tướng của vua Lê Đại Hành trong cuộc chống Tống năm 981 và Linh Lang hoàng tử chống giặc phương Bắc ở thế kỷ XI. Trong ba vị thành hoàng làng được thờ tại đình, Linh Lang Đại vương có vị trí quan trọng nhất, gắn nhiều với lễ hội và những điều huý kỵ trong đời sống văn hoá, tín ngưỡng truyền thống của nhân dân địa phương.

Đình Tư Đình có kết cấu hình chữ “công” với 2 dải vũ. Do sự tàn phá khắc nghiệt của tự nhiên, do chiến tranh, loạn lạc nên các bộ phận kiến trúc này đã mai một dần.

Đại đình là một nếp nhà nằm ngang, nhìn về hướng tây bắc, mặt bằng hình chữ nhật dài (19m70, rộng 11m). Đình được xây gạch kiểu tường bít đốc tay ngai, gồm 5 gian 2 dĩ, 2 hồi trước được xây vượt ra phía ngoài với khoảng tường rộng 2m, mặt trong của 2 bức tường đắp nổi hình rồng ở bên phải, hổ ở bên trái để nói lên ý nghĩa về sự quần tụ của trí thức.

Mặt nền ở gian giữa xây bệ thờ, trên đặt 3 bộ long ngai sơn son thếp vàng, ở giữa là long ngai thờ Linh Lang Đại vương, bên trái là long ngai thờ vị Đô Hồ, bên phải là long ngai thờ Đại Lã.

Trong sinh hoạt tín ngưỡng liên quan tới thành hoàng, trước đây còn có ngôi miếu nhỏ nằm ở ngoài đê sông Hồng. Khoảng cách giữa đình và miếu rất thuận lợi cho đám rước long trọng trong những ngày hội làng. Theo chức năng sử dụng, đình làng là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, nên các vị thành hoàng làng chỉ toạ lạc tại đình trong những ngày dân làng vào đám. Còn miếu hay nghè là nơi ngự thường nhật của các vị thần. Miếu Tư Đình có kiến trúc nhỏ, kiểu tường hồi bít đốc. Sau này do lũ lụt thường xuyên nên nhân dân địa phương đã phải chuyển long ngai, bài vị vào nếp nhà nhỏ trong chùa.

Đình Tư Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)