Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, chùa Thụy Hà (huyện Đông Anh)

Sơn Dương (t/h) 30/07/2023 15:14

Đình, chùa Thụy Hà thuộc thôn Thụy Hà, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, Hà Nội.

dinh-thuy-ha.png
Hội làng Thụy Hà, xã Bắc Hồng, Đông Anh, Hà Nội.

Đình Thụy Hà thờ 4 vị làm thần thành hoàng là: Cao Sơn, Hỗn Độn, Áp Quán và Tá phụ Minh Thiên.

Thành hoàng chính của làng là Cao Sơn Đại vương, ông là bộ tướng thân cận của Sơn Tinh (tức thánh Tản Viên) đã cùng Sơn Thánh đánh lại Thuỷ Tinh bảo vệ triều Hùng đồng thời ông có công trị bệnh cứu người được nhân dân tôn vinh thờ cúng. Thần Cao Sơn được tôn vinh là Thăng Long tứ trấn, một trong bốn vị thần bảo hộ cho kinh thành Thăng Long ở nước ta.

Hai vị thành hoàng Hỗn Độn và Áp Quán là bộ tướng của Cao Sơn, còn Tá phụ Minh Thiên là người thế kỷ VI vào thời hậu Lý Nam Đế, khi nhà Lương sang xâm lược nước ta, ông đã có công trấn giữ hai bờ sông Như Nguyệt tiêu diệt giặc. Khi đất nước thanh bình, ông đã cùng nhân dân giết hổ dữ bảo vệ xóm làng buổi đầu lập trại, định cư ở Thụy Hà.

Chùa Thụy Hà có tên chữ là Tổ Long tự, cũng như nhiều ngôi chùa cổ khác ở đồng bằng Bắc Bộ, chùa là nơi tôn thờ đạo Phật của cộng đồng dân cư làng xã.

Hàng năm, đình chùa Thụy Hà thường tổ chức nghi lễ thờ cúng từ ngày 9 tháng giêng đến ngày 13 tháng giêng âm lịch. Trong lễ hội phần lễ và phần hội là một, sự đan xen kết hợp hài hoà bức tranh đủ màu sắc của một lễ hội cổ truyền vùng quê đồng bằng Bắc Bộ. Rước Đám Dậm là một nghi lễ mang đậm chất anh hùng ca diễn tả lại việc cầm quân thắng trận của vị thành hoàng làng. Trong rước Đám Dậm có tổ chức đám rước từ đình ra địa danh có tên là Đám Dậm và tổ chức lễ “cướp gươm” biểu tượng của sự tích thánh đi đánh giặc thắng trận trở về. Vào chiều mồng 8 tháng giêng có các dòng họ rước cụ tổ ra đình để tế thần, tổ chức hội mừng công thắng trận. Đến tối ngày 13 tháng giêng âm lịch làm lễ xuất tích, các dòng tộc đốt đuốc rước các cụ tổ về từ đường làm lễ nghênh hoài vị.

Đình và chùa Thụy Hà được ra đời từ xa xưa, căn cứ vào các di vật còn lưu giữ được ở đình có thể khẳng định cụm di tích được xây dựng từ thời Lê. Nổi bật ở di tích là hệ thống di vật ở đình như kiệu, long ngai, bài vị, hương án, cửa võng, với đường nét chạm khắc tinh xảo thể hiện tài nghệ khéo kéo của người nghệ nhân xưa. Đặc biệt phải kể đến 5 đạo sắc phong thần, đạo sớm nhất có niên hiệu Minh Mệnh 21 (1840), chùa Thụy Hà có quả chuông đồng ghi niên hiệu Tự Đức 24 (1871), cột đá vân rồng chạm nổi mang dấu ấn thời Lê, bia đá có niên hiệu Chính Hoà 21 (1700); 14 bia ký tộc phả đặt ở các nhà thờ họ ghi chép hướng dẫn con, cháu thực hiện nghi lễ của đình làng và dòng họ.

Đình và chùa Thụy Hà đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)