Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thủ Trung (Thị xã Sơn Tây)

Sơn Dương (t/h) 26/07/2023 16:40

Đình Thủ Trung thuộc xã Thanh Mỹ, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Đình tọa lạc trên một thế đất đẹp ở giữa làng nhìn theo hướng đông nam, gồm các hạng mục công trình là Nghi môn, Tả hữu mạc, Đại bái và Hậu cung. Nghi môn đình được xây đơn giản với các cột có tiết diện vuông, phần thân cột để trơn không ghi các câu đối. Qua một khoảng sân rộng chúng ta tới toà Đại bái được xây dựng năm Giáp Thân (1764) đời vua Cảnh Hưng thứ 25 và được tu sửa lớn vào năm Minh Mệnh thứ 4 (1825). Vào bên trong toà Đại bái gồm có 4 bộ vì chính và 2 bộ vì phụ chịu lực trên 4 hàng chân cột. Các bộ vì chính bên trong Đại bái được làm thống nhất theo kiểu thức “thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy”. Đặc biệt di tích hiện nay còn bảo tồn 4 đầu dư mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII với các đạo mác thẳng bay xuôi về phía sau, các đạo mác thon, nhỏ. Các bức cốn trong di tích thể hiện các tích cổ, truyền thống của cộng đồng cư dân người Việt cổ với đề tài tứ linh, tứ quý. Các mảng chạm khắc mang đặc trưng phong cách thời Nguyễn. Hậu cung là một dãy nhà dọc với tường xây, hồi bít đốc, chia làm 3 gian: gian giữa thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; hai gian bên, một bên thờ Quan đương niên, một bên thờ Thành hoàng bản thổ.

Đình Thủ Trung thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh. Theo cuốn ngọc phủ do quan Hàn lâm Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) đã ghi rõ lai lịch của Tam vị Tản Viên Sơn Thánh (xem di tích đình Thiên Mã và các di tích khác đã nói rõ).

Khi các ngài hoá, dân làng Thủ Trung và nhiều nơi khác được thờ Tam vị đại vương làm thành hoàng làng.

Trải các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, các đời vua đều gia ban phong sắc để muôn đời mãi mãi phụng thờ, do vậy các đời vua đều có gia ban mỹ tự là Thượng đẳng phúc thần, muôn đời thờ cúng, phúc lộc muôn thủa, hàng năm cúng tế lập thành quy thức, không bao giờ đổi thay.

Đình Thủ Trung còn bảo lưu lại được một số di vật thờ có giá trị như 3 cỗ long ngại bài vị phong cách tạo tác thế kỷ XIX, 1 bộ bát bửu phong cách Nguyễn, 1 thần phả, 3 bát hương gốm Thổ Hà, 2 sắc phong.

Lễ hội chính của làng được tổ chức vào các ngày 15, 16, 17 tháng giêng âm lịch hàng năm. Ba năm mở hội lớn theo đền Và vào các năm Tý - Ngọ - Mão - Dậu.

Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)