Đình Tốt Động (huyện Chương Mỹ)
Ngôi đình này mang tên làng, gọi là đình Tốt Động, thuộc xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Từ trung tâm thành phố theo Quốc lộ 6 đến thị trấn Chúc Sơn rẽ trái qua chợ Chúc, men theo đường liên xã khoảng 7km là tới di tích. Theo thần phả và các đạo sắc phong hiện lưu giữ tại đình, thì thành hoàng làng là tướng công Đỗ Bí, một danh tướng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo vào thế kỷ XV. Thần phả chép: Đỗ Bí người thôn Cung Hoàng (nay là Cung Điền, huyện Nông Cống, Thanh Hoá). Trong những năm Lê Lợi dấy binh, Đỗ Bí vốn là một hào trưởng ở Nông Cống tìm về Lam Sơn tụ nghĩa. Ông tham gia các trận đánh ở cầu Nhân Mục, Cổ Lãm. Nơi đây còn ghi dấu tích của ông. Ngày 4 tháng 3 năm 1427, Phương Chính đem quân từ thành Đông Quan đánh tập kích trại của Đỗ Bí và Lý Triện. Bấy giờ, quân đang bao vây giặc ở thành Đông Quan. Do tương quan lực lượng có lợi cho giặc, nên Đỗ Bí bị bắt, còn Lý Triện hy sinh. Một thời gian sau, giặc Minh rút về, ông được trao trả, ông tiếp tục phục vụ triều Lê. Sau khi ông mất, nhân dân làng Tốt Động đã lập đền thờ ông.
Đình Tốt Động hiện nay đã trải qua nhiều lần tu sửa, nhưng vẫn mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn. Đình được xây dựng trên một thế đất đẹp, cao ráo và thoáng đãng ở đầu làng - nơi xảy ra trận quyết chiến chiến lược năm 26, bẻ gẫy cuộc tiến công của Tổng binh Vương Thông với hơn 6 vạn quân địch.
Đình Tốt Động kết cấu theo kiểu chữ “nhị”, bao gồm Đại bái và Hậu cung. Các bộ vì Đại bái theo kiểu chồng rường trên bốn hàng chân cột gỗ. Hệ thống cột, vì kèo... được cổ nhân làm bằng gỗ tứ thiết. Các bức cốn trong đình còn nguyên vẹn, đề tài chủ yếu là “Ngư long hý thuỷ”, nhưng bố cục của mỗi bức cốn đều có vẻ đẹp riêng và mang tính đăng đối, cân xứng. Hình tượng rồng được thể hiện khá nhiều ở đầu dư, cốn, cửa võng. Ngoài ra, một số hoạ tiết “tứ quý” (thông, mai, cúc, trúc) cũng được nghệ nhân thể hiện ở những vị trí khác một cách tài tình.
Nhìn tổng thể, đình Tốt Động khá bề thế, khang trang. Đình còn đủ cột trụ, tường bao, các mái đao cong vút. Các hạng mục khác như sân gạch, dãy Tả hữu mạc. Đây chính là không gian thiêng vào các dịp lễ hội của làng, thường diễn ra các trò chơi dân gian mang tinh thần thượng võ như múa gậy, đấu vật vui nhộn cả một vùng.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1985./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02