Gửi lời hứa tới anh linh những người "ngã xuống" vì Tổ quốc
Từ những lời hứa phải sống ý nghĩa, lao động quên mình, được viết trong bức thư nhân dịp 27/7 cách đây sáu năm, cô Nguyễn Lan Phương đã và đang thể hiện tình cảm, hành động thiết thực để tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Mở đầu lá thư, cô Nguyễn Lan Phương – giáo viên trường THCS Đoàn Kết, nay là Hiệu trưởng THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - bày tỏ bồi hồi khi đọc lại “Thư gửi người đang sống” của những chiến sĩ trong trung đội “Ký con” đăng trên cơ quan truyền thông năm 2005.
Nhắc nhở quá khứ hào hùng
Từ “Bức thư gửi người đang sống” này, cô cảm thấy xúc động khi cận kề cái chết, đói khát giằng xé cơ thể song những người lính vẫn dùng chút sức lực còn lại để thay nhau chắp bút, kể lại cuộc chiến đấu giành giật từng tấc đất của dân tộc. “Tôi đã bật khóc khi đọc những dòng của anh Dũng - người viết cuối cùng” khi đó anh Dũng mong thư được đưa đến tay những người đang sống dù có nắng mưa, bão đạn.
Là người lớn lên trong hòa bình, chỉ biết về chiến tranh qua các trang sách lịch sử, lời kể của ông cha, hình hài của những bác thương binh áo xanh và các những ngọn đồi trắng xóa những bia mộ. Chỉ vậy thôi đã đủ để khiến cô giáo Phương nghẹn ngào trong lòng, vì cô biết “giá của hoà bình quá đắt”.
Nhớ lại ngày còn là sinh viên trường sư phạm, trong chuyến đi tới Thành cổ Quảng Trị, cô Phương được tận tay nghe và chạm đến những chứng tích của một thời bom đạn, khói lửa. Ở đó, Thành cổ Quảng trị được gọi là “cối xay thịt” nơi lớp lớp bộ đội bước lên và ngã xuống. Từng tất đất, ngọn cỏ, đều là xương thịt của các anh. Cô thấy đau và thẹn trong lòng.
“Ở thế giới bên kia, các anh nhìn chúng tôi, tuổi trẻ của hôm nay thế nào? Hoà bình đến với chúng tôi từ thuở lọt lòng êm ái như khúc hát ru. Nhiều người thấm khúc hát ấy mà lớn lên mà đền đáp ân tình của Tổ quốc. Nhưng đôi lúc, có một số người trong chúng tôi ngủ quên, không cống hiến, không sáng tạo… Liệu chúng tôi đã xứng với những người đã ngã xuống…”. Cô viết trong thư.
Tri ân bằng hành động thiết thực
Trở lại thực tại, cô giáo Nguyễn Lan Phương nhớ lại có lần nhờ một bác lái xe mất một chân chở giúp những cây hoa. Không còn lành lặn, tập tễnh trên chiếc chân giả, người thương binh già đó khệ nệ khuân từng cây hoa lên tầng cao của một chung cư. Khi được trả thêm tiền, người đó mân mê từng tờ bạc, nở nụ cười và nói cảm ơn. Nhưng cô chỉ cảm thấy: người cần cảm ơn là chính mình.
Vì không có những người anh hùng, sẽ không có đất nước bình yên hôm nay, họ không được nhớ mặt, đặt tên, chỉ là một trong hàng triệu người con vác theo tuổi xuân vào chiến trường đỏ lửa. Mãi mãi, nỗi đau, vết thương, sự mất mất còn đó, để thế hệ sau như cô “khâu lại”. Giữa thư, cô giáo Phương nhắc lại ý nghĩa của tự do, hoà bình, giá trị mà những người đang sống được thụ hưởng từ chính hi sinh của các anh. “Phải sống ý nghĩa, lao động quên mình…”, kết thư.
Đã 6 năm trôi qua từ ngày bức thư được viết, cô giáo Nguyễn Lan Phương ngày đó nay đã trở thành Hiệu trưởng trường THCS Minh Khai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Cô không ngừng đóng góp cho công việc quản lý giáo dục mang lại những giá trị tốt đẹp, được tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh ủng hộ.
Ngày 27/7 năm nay, để tri ân các anh hùng liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh các em học sinh trường cô đã tự tay làm các tấm thiệp tri ân. Những tấm thiệp nhỏ xinh, với thông điệp nhẹ nhàng như “chúng cháu hứa học tập và tu dưỡng thật tốt”, “chúng cháu kính cẩn bày tỏ lòng biết ơn vô vàn những chiến sĩ anh hùng” được các em học sinh THCS Minh Khai tự tay hoàn thiện.
Những tấm thiệp này được các em đưa đến tận tay các bác thương, bệnh binh trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) và thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ đúng ngày 27/7. Cô Quách Thị Minh Châu, GV trường THCS Minh Khai, chia sẻ từ bức thư của cô Nguyễn Lan Phương, các em học sinh hiểu thêm về tình yêu nước.
Trao đổi với với chúng tôi, cô Nguyễn Lan Phương bày tỏ bản thân đã và đang thực hiện lời hứa năm xưa với các liệt sĩ. Dù bức thư không được gửi đi nhưng đây là cách để cô dành những tình cảm, hành động thiết thực để tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.
Ở vai trò giáo viên hay cấp quản lý, thông qua hoạt động viết những tấm thiệp tri ân, thắp hương và nến tưởng nhớ các anh linh liệt sĩ, cô Nguyễn Lan Phương tiếp tục lan tỏa đến thế hệ trẻ thể hiện sự biết ơn, tinh thần uống nước nhớ nguồn trước. Đặc biệt, luôn ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đi trước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông./.