Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Tô Khê (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 25/07/2023 14:12

Đình Tô Khê thuộc thôn Tô Khê, xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.

dinh-to-khe.jpg
Đình Tô Khê

Đình thờ 2 vị thành hoàng làng là Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc, hai vị tướng tài của Phù Đổng Thiên Vương. Truyền thuyết kể rằng “Vào thời kỳ Văn Lang đến đời Hùng Vương thứ VI, bọn giặc Ân từ phương Bắc tràn sang xâm lược nước ta. Vua Hùng xuống chiếu chiêu mộ người hiền tài ra giúp nước đánh đuổi giặc ngoại xâm. Hồi đó hai anh em Trần Văn Xương và Trần Văn Khúc sinh quán tại huyện Thanh Xuân (nay là Thọ Xuân, Thanh Hoá) vốn làm nghề thôi dưỡng ngư lưu thuỷ (nuôi cá) ra hưởng ứng xin đứng đầu quân. Hai ông được lĩnh chức tướng tiên phong cùng với Phù Đổng Thiên Vương đi dẹp giặc. Hai ông đã đã lập được nhiều công lao to lớn. Giặc tan, xét công lao, vua ban cho 2 ông là “Huynh đệ nguyên soái lưỡng thần”. Hai ông đóng quân tại Tô Khê đến ngày 9/9 năm Tân Mùi thì mất do 2 con rắn vàng cắn”. Suốt trong thời gian ở Tô Khê, Trần Xương và Trần Khúc cùng quân lính đã lập đồn luỹ cùng muôn dân trong làng sinh sống bằng nghề nông. Ông mất, dân làng thương tiếc lập nghè thờ là thành hoàng làng. Ngôi đình (nghè) khi mới xây còn làm bằng tre nứa, lợp rạ. Mãi đến đời Hậu Lê mới tu bổ và dựng ngôi đình như ngày nay.

Đình Tô Khê bố cục hình chữ “nhị” quay về hướng tây. Nhìn ra phía trước là một hồ sen rộng gọi là ao đình, tiếp giáp ao đình là sân đình rồi đến Tiền tế, Nội cung, Ngoại cung.

Đình Tô Khê còn bảo lưu được bộ sưu tập hiện vật phong phú bao gồm đủ các chất liệu gỗ, giấy, kim loại, sứ... Đáng chú ý là bộ sưu tập hiện vật gỗ sơn son thếp vàng như: bức đại tự, kiệu bát cống, bộ bát bửu, chấp kích, long ngai, long đình chạm khắc tinh tế mang giá trị nghệ thuật cao. Bộ sưu tập sắc phong gồm 18 đạo từ thời Lê đến Nguyễn, sắc có niên hiệu sớm nhất là sắc phong năm thứ 4 niên hiệu Chính Hoà (1683) là nguồn tư liệu quý hiếm cần được bảo tồn để phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm của cha ông ta.

Đình Tô Khê được Bộ Văn hoá và Thông tin công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)