Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, miếu Tế Xuyên và chùa Linh Quang Phòng (huyện Gia Lâm)

Sơn Dương (t/h) 25/07/2023 13:51

Đình, miếu Tế Xuyên và chùa Linh Quang Phòng thuộc địa phận xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

chua-linh-quang.png
Chùa Linh Quang Phòng

Đình, miếu Tế Xuyên còn gọi là Ninh Xuyên theo tên làng xưa. Đình còn có tên là “Kinh Bắc hành cung” (hành cung là nơi ở của vua chúa khi đi du ngoại).

Chùa Linh Quang Phòng tên chữ là “Linh Quang Phòng tự”. Đình, miếu, chùa đều thuộc thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Đình và miếu đều thờ Đỗ Trung là người có công đánh giặc Chà Hoà thời Trần. Ông vốn người Chàm, sau khi đánh giặc xong, ông được phong đất Vũ Ninh. Khi về đây, ông thấy vùng hữu ngạn sông Thiên Đức đất đai màu mỡ nên đưa dân sang khai khẩn và còn cho xây dựng hành dinh và luỹ bảo vệ. Ông cũng là người giúp và khuyến khích dân trong việc nông, nên dân nhớ ơn và sau khi ông mất, dân lập đình thờ ngay trên hành dinh của ông. Theo ngọc phả đại vương công thần triều Trần Dụ Tông (1341 - 1369) do Nguyễn Bính biên soạn thì Đỗ Trung tức là vua Chàm làm nội thần nhà Trần được xây dựng hành cung ở Tế Xuyên.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư thì Đỗ Trung là người Chăm duy nhất được tôn làm thần hoàng ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Điều này có thể gợi ý cho việc nghiên cứu về hành cung của vua Chăm Chế Chí ở Gia Lâm.

Đình Tế Xuyên còn là nơi in ấn tài liệu cách mạng thời kỳ 1941 1942, nơi đồng chí Lê Quang Đạo khi đó là bí thư ban cán sự đảng huyện Từ Sơn, sau đó làm bí thư cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh đã từng hoạt động. Thời kỳ 1946 - 1954, miếu và chùa là nơi hoạt động của cán bộ nội thành và du kích.

Đình Tế Xuyên là một công trình kiến trúc gồm có Tiền tế, Đại đình, Hậu cung, nhà cầu nối Đại đình với Hậu cung và tả mạc, hữu mạc ở hai bên Hậu cung. Đình có sân gạch rộng và tường bao tạo thành một không gian khép kín. Trên mái nhà Tiền tế, các bờ dải có đắp rồng, nghệ. Trang trí trong nhà Tiền tế rất phong phú với những mảng chạm những văn mây, cây lá và các đầu dư chạm rồng và các cốn chạm tứ linh, tứ quý. Đại đình có Hậu cung nối với nhau bằng một nhà cầu tạo hình chữ công. Đại đình có quy mô lớn, gồm lớp nhà ngang kiểu 4 mái có đao cong, bờ nóc đắp rồng chầu mặt trời, hai bên đầu hồi đắp hổ phù. Kết cấu vì kèo của đại đình theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”, mái phân “thượng tứ hạ ngữ”. Cột cái có đường kính 60cm, cột quân 45cm, được kê trên những tảng đá to. Trên tất cả các bộ phận kiến trúc của Đại đình được chạm nổi các hoa văn rồng, mây chau chuốt, phong cách của thời cuối Lê đầu Nguyễn.

Miếu Tế Xuyên được xây dựng trên khu đất cao trước chùa, miếu có quy mô nhỏ gồm nhiều Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Nhà Tiền tế 5 gian, xây bít đốc tay ngai, vì kèo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ.

Đại bái và Hậu cung được bố cục thành chữ “đinh”. Đại bái có kiến trúc kiểu chồng diêm. Hậu cung gồm ba gian nối với phần giữa của Đại bái, cũng kiến trúc kiểu hai tầng mái.

Chùa Linh Quang Phòng được xây vào thế kỷ XVIII, theo cột hương dựng năm Thái Bảo 9 (1728) và quả chuông đúc năm 1800. Kiến trúc chùa có chùa chính hình chữ “đinh” và nhà Mẫu, khu tháp mộ. Chùa chính gồm 5 gian tiền đường xây bít đốc tay ngai, trên bờ nóc quả chuông có ba chữ “Linh Quang tự”. Kích thước chùa nhỏ được làm kiểu chồng rường giá chiêng kẻ chuyền, chủ yếu được bào trơn đóng bén, kiểu 4 hàng chân. Thượng điện gồm 4 gian nối với Tiền đường, kết cấu đơn giản, hai vì ngoài làm kiểu ván mê đỡ hoành. Các vì bên trong được trang trí rồng, phượng, rồng mây chạm nổi. Chùa Linh Quang có một số tượng Tam thế, Văn Thù, Phổ Hiền được tạo tác từ cuối Lê (thế kỷ XVII - XVIII), số còn lại vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX).

Đình, miếu Tế Xuyên còn một số bia, chuông, hương án, kiệu, hoành phi và câu đối. Ở chùa, ngoài tượng còn một hương án, 1 cây hương đá và bia có từ cuối Lê đến thời Tây Sơn.

Đình, miếu và chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)