Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thượng Hiệp (huyện Phúc Thọ)

Sơn Dương (t/h) 25/07/2023 09:49

Đình Thượng Hiệp, thuộc thôn Thượng Hiệp, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km về phía tây.

dinh-thuong-hiep.jpg
Đình Thượng Hiệp

Đình Thượng Hiệp thờ Bạch Hạc Long thần Đại vương ở thời Hùng Vương, giỏi đánh giặc, giỏi trị thuỷ, được vua phong làm Thổ lệnh khâm sai, Thống quốc Trung thành đại vương. Sau khi mất, ông được nhà vua phong làm Tam giang Bạch Hạc Thượng đẳng phúc thần và cho phép nhân dân vùng Tam Hiệp được thờ phụng muôn đời.

Đình Thượng Hiệp có từ lâu đời, kiến trúc đậm nét nhất vào thời Nguyễn. Năm 1948, nhân dân tu tạo lại đình to đẹp để lại đến nay. Đình được xây dựng theo hướng tây nam, ven khu cư trú của làng.

Các hạng mục kiến trúc của đình được bố trí theo chiều sâu trong khuôn viên hoàn chỉnh. Từ ngoài vào, di tích bao gồm: Cổng vào xây bằng hệ thống tường long, sân vuông rộng lát gạch Bát Tràng, hai bên có hai dãy nhà dải vũ chạy song song đối diện với nhau qua sân gạch. Đại bái ở chính giữa và khu cung cấm ở tách biệt phía sau.

Hai dãy nhà dải vũ có quy mô thấp nhỏ, mỗi dãy gồm 5 gian xây gạch kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mặt trước có hai hồi xây trụ biểu cao gần ngang nóc nhà.

Đại bái là một dãy nhà hình chữ “nhật”, 5 gian nhỏ hẹp, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói mũi hài mỏng. Các bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu thượng giá chiêng trụ trốn, hạ kẻ bẩy hiên trên 4 hàng chân, dưới mỗi chân cột có kê tảng đá xanh.

Hậu cung được xây ở phía sau, cách Đại bái khoảng 3m. Nhà gồm 4 gian xây dọc kiểu chồng diêm cổ ngỗng tạo nên 2 tầng 8 mái với các đầu đao cong vút lên được trang trí đầu rồng. Kết cấu kiến trúc tòa Hậu cung tương đối đơn giản. Hai vỉ ruồi ở hồi nhà được làm kiểu chồng rường. Bốn bộ vì chính được làm giống nhau, đỡ mái thượng là kết cấu kèo cầu giá chiêng hạ bẩy. Hai mái dưới là hệ thống rường nách đặt trên thanh xà ngang to và dày. Nền Hậu cung được tôn cao. Gian ngoài làm nơi hành lễ, gian trong bày đồ tự khí, có ngai thờ thành hoàng làng. Trang trí trong tòa Hậu cung chủ yếu là các đề tài dân gian quen thuộc như: hoa lá, rồng, phượng đều được chạm nổi.

Hằng năm, nhân dân trong làng thường tổ chức lễ hội đình Thượng Hiệp vào tháng 8 âm lịch.

Đình Thượng Hiệp được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)