Đình Thượng Trì (huyện Đan Phượng)
Đình Thượng Trì thuộc địa phận xã Liên Hồng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Thượng Trì là một vùng quê cổ thuộc địa danh xứ Đoài. Theo tác phẩm “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” thì thôn Thượng Trì xưa gọi là xã Thượng Trì, thuộc tổng Thượng Trì, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Thành phố Hà Nội.
Ngôi đình toạ lạc ở rìa làng kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Đại bái, Hậu cung và một số hạng mục phụ cận. Đại bái đình kết cấu 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong tạo dáng vẻ mềm mại, thâm nghiêm cho di tích. Trên mái toà Đại bái có đắp hình lưỡng long chầu nguyệt và hai con Makara. Bờ dải có các con xô bằng vôi vữa, đầu guột có trang trí hình rồng cách điệu. Mặt trước di tích là hệ thống cửa bức bàn, rất thuận tiện cho những ngày làng vào đám. Vào bên trong, tương ứng với các gian là 4 bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “Thượng chồng rường, hạ xà nách rường nách, bẩy hiên và bẩy hậu”. Hoa văn hoạ tiết được thể hiện tại các con rường là lá lật, nét chạm khắc nông nhưng uyển chuyển mềm mại. Phía dưới các câu đầu là các đầu dư được chạm hình đầu rồng. Ở một số cột gian giữa Đại bái có treo các đôi câu đối.
Toà Hậu cung là hai gian chạy dài vào phía trong tạo thành hình chuôi về. Mặt tiếp giáp giữa Hậu cung và Đại bái được chạm trổ tinh xảo theo nghệ thuật điêu khắc truyền thống theo các tích lưỡng long chầu nguyệt, vân mây xoắn. Phía dưới là bộ cửa chạm trổ khá kỹ lưỡng, cửa này được mở vào các dịp lễ tiết của làng. Bên trong Hậu cung có đặt 05 bộ long ngai bài vị của 05 vị thành hoàng.
Căn cứ theo ngọc phả, văn tế và các đạo sắc phong do Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp thì sự tích của các vị thành hoàng có thể tóm tắt như sau: Vua Hùng thứ 18, có người em trai tên là Hùng được vua phong làm trưởng quan huyện Từ Liêm, đạo Sơn Tây. Một hôm, ông đi đến xã Thượng Trì và sai binh sĩ xây dựng hành cung rồi ở lại. Sau đó ông kết duyên với hai người con gái nhà họ Dương. Một hôm vào ngày hè oi bức, 2 bà ra sông tắm, bỗng nhiên nước sông vang lên ù ù như sấm, chỉ trong nháy mắt có một con cá chép thân dài 3 thước từ trong dòng nước lao thẳng vào 2 người. Tự nhiên toàn thân 2 bà toả ra mùi thơm ngào ngạt. Từ đó hai bà có mang. Đến ngày 15 tháng giêng, mỗi bà sinh hạ được một bọc, nở ra 2 người con trai với tướng mạo thần uy lẫm liệt. Hùng công bèn đặt tên cho người con thứ nhất là Hỗ Lang, người thứ 2 là Du Lang, người thứ 3 là Hộ Lang và người thứ 4 là Tham Lang.
Lúc đó ở quê nhà Hùng công tuổi đã ngoài bảy mươi, một hôm loan giá đi chu du các nơi, khi đến huyện Hoằng Hoá thì tự nhiên không bệnh mà mất. Nhân dân địa phương ở đó lập miếu thờ, còn 4 anh em và 2 người mẹ vẫn sống tại quê nhà.
Một hôm, bốn ông dạo chơi tới trang Nội, thấy địa thế tốt bèn cho lập hành cung và sống tại nơi đây. Sau đó ít lâu, nhân dân thôn Nội bị nạn hồng thuỷ. Khi đó bốn ông bèn viết một bài văn để trên mặt nước, rồi lấy tay chỉ xuống và tự nhiên nước rút hết. Cùng lúc ấy nhà Hùng ở thế cáo chung, quân Thục thừa cơ phát động tỉnh binh. Nhà vua bèn giao binh quyền cho người con rể là Tản Viên Sơn Thánh lãnh binh tiến đánh quân giặc. Bốn vị Hỗ Lang, Du Lang, Hộ Lang và Tham Lang lãnh 15 vạn tinh binh chặn giặc ở vùng Hoan Châu và thu được thắng lợi lớn. Sau đó, bốn ông xin với nhà vua cho về quê nhà tại xã Thượng Hồng và mở tiệc khảo thưởng 3 quân. Trong bữa tiệc, bỗng nhiên nước dâng tràn, ba ba, thuồng luồng ở đâu kéo đến, trời đất mịt mùng. Nhưng chỉ trong chốc lát, không thấy bốn ông và hai vị phu nhân, chỉ còn lại khăn áo. Từ đấy về sau, dân làng Thượng Trì lập miếu phụng thờ.
Ngoài những ngày lễ chính ra, thì ở Thượng Trì có phiên chợ quà quê đặc biệt, mỗi năm chỉ họp một lần vào ngày 27/12 âm lịch hàng năm. Chợ họp xung quanh ngôi đình làng ngay từ sáng sớm, các loại quà bánh được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp của làng như cháo se, bánh tẻ, bánh đậu... Đặc sản này chỉ dành cho người cao tuổi và trẻ em trong làng vào dịp sắp kết thúc năm cũ và đón năm mới. Đây là sự thể hiện nhớ công ơn hai bà mẹ nuôi dậy bốn người con từ thời Hùng Vương đã hiển linh cứu nhân độ thế.
Đình Thượng Trì đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02