Đình, đền Thọ Am (huyện Thanh Trì)
Đình, đền Thọ Am ở thôn Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 15km.
Có thể đình, đền Thọ Am đã được xây dựng từ sớm, khoảng đầu thế kỷ XVII qua các sắc phong đời Dương Hoà - niên hiệu vua Lê Thần Tông những năm từ 1635 đến 1642, Phúc Thái - niên hiệu vua Lê Chân Tông những năm từ 1643 đến 1648.
Năm Thiệu Trị thứ ba (1843), đình được mở rộng theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Năm Tự Đức 13 (1860) làm thêm hai dãy tả, hữu mạc, năm 1861 chữa lại Hậu cung và năm Đồng Khánh nguyên niên (1886) trùng tu Đại đình và giữ như hiện nay.
Đình Thọ Am thờ hai vị thần là Đoàn Thượng (Thời Lý, Trần) và Nguyễn Phục (Thời Lê).
Đoàn Thượng người ở làng Hồng Châu, quận Đông Hải (nay là huyện Gia Lộc), Hải Dương, làm võ tướng thời Lý. Khi nhà Trần ép ngôi nắm quyền, ông đặt đồn luỹ để chống lại nhà Trần. Sau đó ông bị tướng nhà Trần là Nguyễn Nộn đánh, hiển thánh được phụng thờ ở nhiều nơi. Triều Lê phong Đoàn Thượng là Thượng đẳng phúc thần, nhiều nơi thờ Đoàn Thượng làm thành hoàng.
Nguyễn Phục còn gọi là Tùng Giang tiên sinh, người Gia Phúc (Gia Lộc, Hải Dương) xuất thân trong một gia đình nhà nho có truyền thống, mẹ là người họ Nguyễn, quê ở Kẻ Am (Thọ Am). Nguyễn Phục làm quan to dưới hai triều vua Lê Nhân Tông (1442 - 1458), Lê Thánh Tông (1460 - 1497), sau khi mất được phong làm thành hoàng.
Đình Thọ Am có Đại đình 5 gian, 1 dĩ, xây bít đốc. Chính giữa nóc đắp hổ phù, phía trước có trụ biểu. Đình có vì kèo kết cấu kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Bốn hàng chân mái phân thượng tứ hạ ngũ, cột cái chu vi 120cm. Bậc lên đình xây bằng đá phiến, có phiến dài 1,1m, rộng 45cm.
Hậu cung nối với gian giữa đại đình, xây tường bao kín tạo thành chữ “đinh” có 4 bộ vì kèo theo kiểu “giá chiêng kẻ chuyền”, nền lát gạch đỏ, gian trong làm sàn cao để làm nơi thờ. Dọc hai bên Hậu cung có hai dẫy giải vũ mỗi dẫy 3 gian kết cấu đơn giản. Tường Hậu cung có gắn một số bia.
Nghệ thuật chạm khắc ở đình được thể hiện trên khung nhà, các con rường với hoạ tiết hoa văn thực vật, vân mây, các bẩy hiên chạm rồng cách điệu.
Đình còn có các mảng chạm trên ván nong đặt dưới hệ thống xà ngang nối các cột quân.
Đền Thọ Am được thờ Thánh Mẫu (mẹ của Nguyễn Phục) được xây dựng vào năm Khải Định năm thứ tám (1923). Đền xây sát phía sau Hậu cung của đình, có quy mô nhỏ, hình chữ “đinh”, nhà Tiền tế 3 gian chạm hoa văn thực vật, vân mây, chạm rồng. Hậu cung đền có hai gian xây dọc gắn với gian giữa Tiền đường. Trong xây bệ gạch cao, đặt tượng Thánh Mẫu và đồ thờ. Khám thờ chạm trổ cầu kỳ, thể hiện hình dáng như một ngôi nhà mái cong rất ít thấy trong số những khám thờ mà chúng ta được biết.
Đình và đền Thọ Am còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá như bát hương gốm, lư đồng, đặc biệt những sắc phong từ thời Lê đến thời Nguyễn, một quả chuông đúc từ thế kỷ XIX, long ngai, câu đối, hoành phi, đòn kiệu, bộ bát bửu, bia đá.
Đình, đền Thọ Am là một quần thể kiến trúc đẹp, các mảng chạm có giá trị nghệ thuật hết sức hấp dẫn, là một dấu tích về nền nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Hội làng Thọ Am từ ngày 7 đến 10 tháng 2 âm lịch, chính hội ngày 8 tháng 2.
Đình, đền Thọ Am đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02