Đình Thị Cấm, chùa Linh Ứng (quận Nam Từ Liêm)
Đình Thị Cấm, chùa Linh Ứng thuộc thôn Thị Cấm, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Theo truyền thuyết, đình Thị Cấm được xây dựng từ xa xưa. Hiện nay, hiện vật cổ nhất lưu giữ tại đình là đạo sắc phong niên hiệu Vĩnh Thịnh (1707), vì vậy có thể đoán đình được dựng trước niên đại đó.
Đình Thị Cấm thờ thành hoàng là Cổ mục phân quan Phan Ông Tây Nhạc và 3 bà vợ. Ông là người có công bảo vệ triều đại của Hùng Duệ Vương. Các bà vợ là Tả phi nhân công chúa, Hữu hoàng hậu công chúa và Hoa Dung công chúa có công trong việc bảo vệ doanh trại, cung cấp quân lương.
Đình làm trên một khu đất bằng phẳng liền kề bên khu cư trú của làng, quay mặt về hướng đông, trông về kinh thành Thăng Long. Kiến trúc đình Thị Cấm gồm Tam quan gạch, nhà ngang và toà Đại đình, hình “chuôi về”. Đại bái đình ngoài 5 gian, xây tường gạch kiểu đầu hồi bít đốc. Sau đình ngoài tiếp đến một toà phương đình hình vuông. Đi qua phương đình vào đến đình trong hình “chuôi về”, phần Bái đường 3 gian, Hậu cung 2 gian.
Để tưởng nhớ công lao của vị thành hoàng, hàng năm dân làng tổ chức hội làng từ 12 - 22/2 âm lịch.
Chùa Linh Ứng, có tên chữ là “Linh Ứng tự”. Chùa Linh Ứng có tên gọi theo thôn là chùa Thị Cấm. Truyền thuyết dân gian trong vùng cho biết chùa Linh Ứng được xây dựng dưới đời Trần. Đến cuối thế kỷ XVII, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hảo ở bản thôn đã đem của nhà tu sửa cung điện, gác chuông, khánh. Đến niên hiệu Cảnh Thịnh 2 (1975) lại đúc quả chuông “Linh Ứng tự”. Sang đời Nguyễn, chùa được sửa chữa lớn vào năm Đinh Tỵ niên hiệu Tự Đức (1857), đến năm Quý Mão niên hiệu Thành Thái (1903) dân làng lại đúc quả chuông “Linh Ứng tự” mới. Năm niên hiệu Bảo Đại 12 (1937) chùa được tu sửa lớn, xây 5 gian điện vũ, 1936 xây toà thánh Mẫu, tô tượng và sắm đồ thờ, 1937 xây hậu đường, tăng 9 gian.
Hiện chùa nằm bên bờ sông Nhuệ gồm có Tam quan, nhà khách, nhà Mẫu và Tam bảo, toà Tam bảo mặt bằng hình chữ công có Tiền đường 3 gian 2 dĩ, Thiêu hương 2 gian, Thượng điện 3 gian. Trên kiến trúc chùa còn giữ được nhiều mảng chạm khắc cổ mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Hiện vật, tượng pháp trong chùa mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX có giá trị lịch sử nghệ thuật.
Đình và chùa Thị Cấm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02