Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thượng, đình Hạ (huyện Ứng Hòa)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 19:41

Đình Thượng, đình Hạ thuộc địa phận xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hoà, Hà Nội.

dinh-thuong-dinh-ha-tram-long.jpg

Từ xưa, thôn Lương Đa đã nằm trong vùng đất cổ ẩn chứa nhiều nét văn hoá truyền thống. Trầm Lộng vốn là một trong những rốn nước ở 9 làng Chằm 5 làng Bái. Mọi sinh hoạt đi lại của nhân dân đều phải bằng thuyền.

Vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), thôn Lương Đa, thuộc xã Lương Đa, huyện Sơn Minh, tỉnh Hà Nội. Năm 1909, thuộc tổng Trầm Lộng, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông. Năm 1924, thuộc xã Lương Đa, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các xã, thôn của tổng Trầm Lộng từng bước được sáp nhập. Tháng 3 năm 1946, các thôn Trầm Lộng, Lương Đa, Thu Nội, Cao Minh, Xuân Đài, An Hoà và An Cư hợp nhất thành xã Quang Trung. Năm 1948, hai xã Quang Trung và Kiện Vũ hợp nhất thành xã Kiện Trung và đến năm 1964, đổi thành xã Trầm Lộng.

Theo cuốn thần tích, thành hoàng được nhân dân thôn Lương Đa thờ phụng là ba anh em họ Vương sống ở thời vua Trần Anh Tông (1293 - 1314), có công lớn dẹp giặc ngoại xâm Cao Man. Sau đó được các triều đại ban sắc phong thần. Các ngài có tên hiệu là: Vương Công Kiệt, Vương Công Hùng và Vương Công Dũng.

Đình Thượng có kết cấu kiến trúc chữ đinh gồm Đại bái và Hậu cung. Mấy năm gần đây, nhân dân thôn Lương Đa đã hưng công tu bổ để ngôi đình có diện mạo khang trang như hiện nay.

Hiện tại, Đại bái đình Thượng được làm theo kiểu ba gian với ba lối đi chính. Hai đầu bờ nóc được các nghệ nhân xưa đắp biến thể thành khối hình chữ nhật, nhưng lại như thể là sự cách điệu hai con kìm Makara, một con vật linh, chủ thể của nguồn nước trong đời sống cư dân nông nghiệp lúa nước. Chính giữa bờ nóc các nghệ nhân lại tạo một hình khối, chính giữa là ô hình chữ nhật, bên trong trang trí đề tài long cuốn thuỷ và những áng mây cụm cách điệu, ba phía xung quanh hình chữ nhật là các diềm trang trí chữ triện xen kẽ, điểm xuyết những bông cúc mãn khai tinh tế, tạo nên sự đối xứng hài hoà, mềm mại mà vững chãi. Cũng tại Đại bái đình có hình ảnh của con lân, đầu rồng ngậm ngọc, mình ngựa, vẩy cá, trên lưng cõng chữ “thợ” đang di chuyển trong mây.

Nằm cách không xa đình Thượng, đình Hạ toạ lạc gần đường liên thôn. Về kết cấu kiến trúc giống như đình Thượng. Nghi môn với hai trụ biểu nhỏ, đỉnh trụ để trơn, rồi ô lồng đèn rỗng, thân trụ soi gời chạy chỉ, đế trụ thắp cổ bồng tạo thế vững trãi cho công trình này. Vào bên trong, các bộ vì tại Đại bái và Hậu cung được làm theo kiểu “vì kèo”. Tại Hậu cung, có bài vị riêng của đức thánh Vương Công Kiệt, bài vị ghi: “Đương cảnh Thành hoàng minh giá minh triết phù tộ hùng lược quảng đức uy linh thân chính tuý tinh hiển hựu lý đống lạc đại vương”, đặt trên sập thờ nhỏ kiểu chân quỳ dạ cá. Đáng chú ý là chiếc chậu đồng, đây cũng là một trong những di vật quý. Chiếc chậu này có đường kính miệng 47cm, cao 35cm, miệng chậu và đáy chậu trang trí dải hoa chanh, hoa cúc mãn khai và bầu rượu với những đường chạm khắc mềm mại. Đây là chiếc chậu quý thời Nguyễn.

Đình Thượng, đình Hạ đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)