Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Từ Châu (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 19:18

Đình Từ Châu thuộc địa phận xã Liên Châu, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

Đình thờ Cao Lỗ (? - 179 trước Công nguyên).

Theo dã sử, ông họ Cao tên Lỗ, lại có tên là Thông, người ở bộ Vũ Ninh (Bắc Ninh). Thời trẻ, giỏi võ nghệ, được người địa phương tôn làm Đô Lỗ. Sau theo An Dương Vương đánh giặc, nhờ lập được nhiều công, ông được phong tước Hầu. An Dương Vương xây thành Cổ Loa, được Rùa vàng giúp. Thành xây xong, Rùa vàng lại tặng vua chiếc móng. Vua bèn giao cho ông chiếc móng đó để làm thành cái lẫy nỏ thần. Truyền rằng, nỏ thần cực mạnh, bắn một lúc hàng trăm mũi tên, tiêu diệt được hàng trăm tên giặc, do đó được gọi là Linh Quang thần nỏ. Triệu Đà đem quân xâm lược Âu Lạc. An Dương Vương dàn quân chiến đấu, dùng nỏ thần diệt giặc. Quân Triệu Đà thua to, phải rút về nước. Biết ta có nỏ thần lợi hại, Triệu Đà tìm cách cho con sang làm rể An Dương Vương, để mong phá được nỏ thần. Ông và Nội Hầu hết lời can ngăn An Dương Vương chớ mắc mưu giặc, nhưng vua không nghe. Trọng Thuỷ lấy Mỵ Châu rồi, vừa tìm cách phá nỏ thần, vừa tìm cách ly gián An Dương Vương với các tướng giỏi. An Dương Vương cả tin, đã đuổi ông về quê. Đau đớn vì sự đối xử đó, ông ra về, không quên dặn lại vua: “Giữ được nỏ này thì làm vua thiên hạ, không giữ được nỏ này thì mất thiên hạ”. Nhưng, An Dương Vương chủ quan đã để cho Trọng Thuỷ phá mất lẫy nỏ. Rồi, Triệu Đà lại xuất quân xâm lược. An Dương Vương phải tự vẫn. Đất nước rơi vào tay xâm lược. Ông đã mất trong cuộc chiến đấu sống mái với kẻ thù.

Theo những tài liệu khảo cứu thì đình Từ Châu vốn là một ngôi đình sàn được khởi dựng vào thế kỷ XVII. Năm tuyệt đối còn ghi ở thượng lương tại Đại bái là ngày 6 tháng 8 năm Canh Ngọ (1630). Đình đã trải qua nhiều lần tu sửa vào thế kỷ XIX, XX. Hiện nay sàn đình không còn, nhưng những lỗ mộng ở thân cột vẫn còn in đậm dấu tích xưa. Đình Từ Châu có kiến trúc kiểu chữ “đinh”, Nghi môn có niên đại thế kỷ XIX, xây theo lối cửa mã gồm 2 cột trụ biểu cao 4,5m, cạnh vuông 0,5m có đắp nổi nhiều câu đối và hoa văn trang trí, 2 cửa bên xây kiểu 2 tầng 8 mái có đắp lưỡng long chầu nguyệt ở bờ nóc. Ngoài Nghi môn ra, đình Từ Châu còn một cổng phụ ở phía tây cũng có 2 trụ biểu đắp nổi tứ linh, rồng uốn trong mây, phượng bay xoè cánh, lân sải bước, rùa bơi trên đầm đội cuốn thư và bút nghiên. Trên đỉnh trụ là một linh vật. Vào trong sân, ta còn gặp 2 trụ biểu của 2 hồi toà Đại bái, cũng có 2 con sấu với bờm tóc, sóng mây.

Đại bái có diện tích 212,72m dàn trải hình chữ nhật gồm 5 gian, 6 vì kèo trên 5 hàng chân cột, tổng số 30 cột, trong đó có 4 cột chính có chu vi tới 1m40, 22 cột quân có chu vi 1m20 và 4 cột xây bằng gạch, các cột gỗ đều đặt trên chân tảng có tiết diện vuông hoặc lăng trụ chạm cánh sen loại 22 cánh hay 26 cánh. Đại bái có 5 cửa ra vào, hiện 2 gian bên giáp hồi xây liền còn 3 cửa của 3 gian chính, mỗi cửa là 3 bộ cánh cửa bức bàn dài 1m90, rộng 0m45 bào trơn, chỉ soi nhấn chìm tạo các đường viền khoẻ khoắn. Bậc cửa chính giữa trang trí hoa văn chữ triện. Mỗi vì kèo đình Từ Châu là một tác phẩm nghệ thuật gỗ sinh động, mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng, thi thoảng ở một số hạng mục lại đan xen những yếu tố nghệ thuật thời Nguyễn qua những lần tu sửa về sau. Đặc biệt, cửa võng gian chính là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thời Lê. Ngoài ra, đình còn lưu giữ một bộ kiệu bát cống thời Lê khá nguyên vẹn.

Hiện đình còn giữ được 11 đạo sắc phong. Lễ hội hằng năm của làng được tổ chức trong 3 ngày 11, 12, 13 tháng 3 âm lịch.

Đình Từ Châu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1988./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)