Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thượng Cát, chùa Kỳ Vũ (quận Bắc Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 15:30

Đình Thượng Cát, chùa Kỳ Vũ thuộc phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

dinh-thuong-cat.jpg
Đình Thượng Cát
chua-ky-vu.jpg
Chùa Kỳ Vũ

Đình Thượng Cát và chùa Kỳ Vũ được xây dựng trên khu đất rộng, tách biệt với khu dân cư của làng. Đình, chùa quay hướng đông, trông ra hồ nước rộng. Đình ở phía trước chùa, ở phía sau tạo ra kiểu “tiền Thần hậu Phật”.

Đình Thượng Cát là nơi tưởng niệm 3 nhân vật quan trọng và có công lớn trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là Quách Lãng, Đinh Bạch Nương và Đinh Tĩnh Nương.

Đình Thượng Cát có quy mô kiến trúc lớn, bao gồm đại đình, hai dãy tả hữu vu ôm lấy sân gạch vuông là Tam quan phía trước. Cổng Tam quan xây gạch dạng 4 trụ biểu, lối vào giữa hai cột được làm bốn mái nhỏ khá cầu kỳ, các góc đao uốn cong, bờ nóc đắp cao hình chữ công, giữa có hàng hoa chanh thủng. Chính giữa nóc cổng chính đắp hình hổ phù ngậm vành trăng. Các trụ biểu ở trên đỉnh đắp hình 4 con chim phượng chụm đuôi, dưới hình phượng có 4 đầu rồng nhô ra ở góc trụ, bốn ô lồng phía dưới trang trí tứ linh (long, ly, quy, phượng). Đại đình có quy mô lớn hình chữ “nhật” dài 29,4m; rộng 13,6m. Nhà làm kiểu 4 mái với các đầu đao uốn cong. Đình lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp nổi đề tài “lưỡng long chầu nguyệt”. Bộ vì kèo của toà Đại đình được làm theo kiểu thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ. Mỗi bộ vì chính được dựng trên 6 hàng chân, mái phân thượng tứ hạ ngũ, các cột cái đường kính 53cm, cột hiên 33cm, cột quân 40cm làm kiểu thượng thu hạ thách. Đá tảng kê chân cột có hai lớp lớn, lớp dưới là hình vuông có kích thước 87cm x 8cm, lớp trên hình tròn đường kính 60cm. Toà Đại đình gồm 5 gian 2 dĩ, mặt trước là hệ thống cửa bức bàn. Nền lát gạch Bát Tràng, trước thềm bậc cửa của gian giữa có đặt đôi sấu đá thời Lê Trung hưng. Trang trí đình Thượng Cát rất phong phú, những bộ vì bên các rường, kẻ, xà được chạm nổi, bong kênh các hình văn thực vật, vân mây, rồng lá, long mã với phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Đặc biệt là hai bộ vì giữa vẫn bảo tồn nguyên vẹn những mảng trang trí của thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII.

Cung cấm đơn giản làm ván bưng hai mặt bên, phía trước có cửa bức bàn, trên cửa treo một vòm lớn, trong cung đặt long ngai, bài vị thành hoàng làng.

Chùa Kỳ Vũ có quy mô kiến trúc lớn với nhiều lớp nhà ngang dọc tạo thành, chùa chính nằm phía trước, gác chuông và nhà Tổ phía sau. Khép kín không gian của chùa là 2 dãy hành lang nằm song song để nối tiền đường với nhà Tổ. Chùa chính có kết cấu hình chữ “công” gồm có Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện.

Tiền đường có quy mô lớn và làm theo dạng nhà 4 mái với các đạo cong nhẹ nhàng, các bộ vì đỡ mái làm theo 2 dạng khác nhau, hai vì hồi có kết cấu thượng chồng rường hạ kẻ các vì trong làm kiểu giá chiêng, trụ trốn, hạ kẻ, phần mái hồi làm kiểu chồng rường hạ bẩy. Mỗi vì nhà dựng trên 6 hàng chân, mái phân thượng tứ hạ ngũ. Tiền đường gồm 7 gian 2 dĩ, phía trước có cửa bức bàn, phía sau và hai hồi xây tường bao. Nối giữa Tiền đường và Thượng điện là toà Thiêu hương gồm 2 gian nhà dọc, các bộ vì kèo đều làm kiểu chồng rường giá chiêng hạ bẩy.

Thượng điện là kiến trúc cổ nhất, gồm 1 gian 2 chái. Góc mái với các đao cong, đầu của mỗi đao đắp nổi đầu rộng đang nhìn về nóc mái. Bộ khung nhà làm theo kiểu chồng rường giá chiêng hạ kẻ, các con rường chồng khít lên nhau, kẻ ăn mộng qua cột cái và cột quân, bên trên có ván gỗ dầy để giữ hoành.

Dọc theo nhà Thiêu hương có 2 dãy dải vũ, mỗi dãy gồm 7 gian đơn giản vì kèo kiểu quá giang.

Sau Thượng điện là nếp nhà ngang, xây theo kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Sát phía sau gác chuông là nhà Mẫu gồm 7 gian và cũng xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai.

Hệ thống tượng tròn có 51 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao, các pho tượng được gia công tỉ mỉ, công phu. Nổi bật là các pho tượng mang phong cách thế kỷ XVII, XVIII như Tam thế, A Di Đà, Di Lặc, Tứ Bồ Tát, Quan Âm nam hải, công chúa họ Lê. Hơn 50 pho tượng còn lưu giữ đã biến ngôi chùa thành phòng trưng bày có giá trị về nghệ thuật điêu khắc Việt Nam ở hai thời kỳ Lê - Nguyễn.

Đình, chùa Thượng Cát còn bảo lưu được bộ di vật văn hoá đồ sộ gồm nhiều chất liệu, chủng loại khác nhau với niên đại trải dài từ thế kỷ XVII - XX như các y môn, bát hương, hoành phi, câu đối. Ngoài ra còn 33 đạo sắc phong của 3 triều Lê - Tây Sơn - Nguyễn, sớm nhất là niên hiệu Vĩnh Tộ 2 (1620), Tây Sơn có niên hiệu Cảnh Thịnh (1800).

Lễ hội làng Thượng Cát hàng năm được tổ chức, vào ngày mùng 10 tháng ba âm lịch, để tưởng nhớ công ơn các vị thành hoàng. Từ ngày mùng 9 dân làng đã bắt đầu dâng hương trình Thánh. Sáng ngày mùng 10 (ngày chính hội) là lễ cúng tế rất trang nghiêm và tiến hành diễn lại cảnh ba quân tướng sĩ làm lễ thề trước khi xuất trận. Sau các nghi thức cũng tế là các trò chơi dân gian, đặc biệt là cuộc đua thuyền diễn ra tại hồ nước rộng ở phía trước đình làng. Ngoài ra còn có hò chạy quân để diễn tả cảnh Hai Bà Trưng luyện quân thuở trước.

Đình và chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)