Đời sống văn hóa

Huyện Đông Anh (Hà Nội): Nâng cao chất lượng xây dựng mô hình văn hoá

Ly Ly 25/07/2023 18:45

Sáng ngày 25-7, tại xã Liên Hà, UBND huyện Đông Anh tổ chức Tọa đàm với chủ đề nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” gắn với quản lý, khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2023.

Tham dự có các đồng chí: Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh, Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hoá và gia đình, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Bùi Minh Hoàng; Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Đông Anh Nguyễn Đình Phúc; Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn. Đại diện đơn vị đăng cai tổ chức có các đồng chí: Bí thư Đảng uỷ xã Liên Hà Dương Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND xã Liên Hà Phạm Văn Nam; các đồng chí Trưởng ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; Phó chủ tịch phụ trách văn hoá – xã hội; công chức văn hoá - xã hội; Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, đại diện các gia đình văn hoá tiêu biểu đến từ 12 xã của huyện Đông Anh…

Chuyển biến tích cực

1.jpg
Các đại biểu tham dự toạ đàm

Đông Anh là vùng đất cổ “Địa linh, nhân kiệt” có bề dầy lịch sử, truyền thống thượng võ, tinh thần yêu nước, cùng nền văn hoá giàu bản sắc; nơi đây nổi tiếng với Cổ Loa – mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt; cùng với 319 di tích mang giá trị tiêu biểu về nghệ thuật, kiến trúc, lịch sử, văn hoá; 98 lễ hội dân gian đặc sắc như: hội rước vua, kén rể, rước mã, kéo lửa thổi cơm thi; các bộ môn nghệ thuật truyền thống tiêu biểu như ca trù, rối nước, tuồng, chèo; những ẩm thực độc đáo riêng có của Đông Anh như: rượu Quậy, bỏng chủ, bún Mạch Tràng, đậu làng Chài, gạo nếp hoa vàng … đến những sự tích, truyền thuyết về thần Kim Quy, nỏ thần, Mỵ Châu – Trọng Thuỷ, chuyện những nàng tiên gánh đất xây thành … Tất cả tạo nên một bản sắc văn hoá tiêu biểu và cốt cách tâm hồn người Đông Anh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

5.jpg
Đồng chí Đặng Giang Sơn Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện Đông Anh báo cáo tại hội nghị

Báo cáo đánh giá về thực trạng trong công tác xây dựng mô hình văn hóa trên địa bàn huyện, đồng chí Đặng Giang Sơn Trưởng phòng Văn hoá – Thông tin huyện cho biết, thời gian qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, các phòng chuyên môn thuộc Sở, huyện ủy, UBND huyện Đông Anh, Phòng Văn hoá – Thông tin với vai trò cơ quan Thường trực Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình số 04 đã tập trung tham mưu các văn bản chỉ đạo, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, thực hiện hiệu quả các nội dung trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Chương trình số 04-CTr/HU tạo nên những chuyển biến tích cực.

Tại Tọa đàm, các đại biểu được lắng nghe ý kiến chia sẻ thông qua các tham luận, tập trung vào 3 nội dung trọng tâm như: Xây dựng, quản lý, khai thác và nâng cao chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, cụ thể là nhà văn hóa – khu thể thao thôn, điểm sinh hoạt cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố; Đẩy mạnh thực hiện các nội dung trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, trong đó tập trung về xây dựng, nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa: “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”; Xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng nhằm xây dựng người Đông Anh thanh lịch, văn minh.

9.jpg
Đại diện Lãnh đạo UBND xã Liên Hà tham luận tại Hội nghị

Với chia sẻ, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đại biểu xã Liên Hà cho biết: Chất lượng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm gần đây ở Liên Hà đã có sự phát triển vượt bậc, nội dung và hình thức tổ chức các hoạt động thường xuyên được đổi mới, góp phần làm phong phú và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng phát triển rộng khắp, phục vụ có hiệu quả các ngày lễ kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của các địa phương và việc rèn luyện, nâng cao thể chất, tinh thần của nhân dân. Người dân đã chủ động, tích cực trong việc đóng góp vật chất, tinh thần để xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động văn hóa và thể thao trên địa bàn xã Liên Hà phần lớn được xây dựng khá khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của các tổ chức chính trị, xã hội và quần chúng nhân dân tại mỗi thôn trên địa bàn. Cùng với hệ thống phương tiện nghe nhìn được phát triển đồng bộ đến với mỗi cụm dân cư, gia đình, cá nhân đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

4.jpg
Đại diện xã Mai Lâm phát biểu chia sẻ tại Hội nghị

Chia sẻ ở một khía cạnh khác liên quan đến ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong xây dựng mô hình văn hóa và quản lý, khai thác nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng động”, đại diện xã Mai Lâm cho rằng, để xây dựng các mô hình văn hóa, gắn với quản lý, khai thác thiết chế văn hóa triển khai thực hiện hiệu quả cần có sự đồng thuận của nhân dân và người dân cũng chính là đối tượng đang được trực tiếp thụ hưởng những thành tựu đó. Bên cạnh việc giữ gìn nét đẹp văn hóa lâu đời của vùng quê cũng cần tiếp nhận các mô hình văn hóa tiên tiến, hiện đại theo hướng văn minh đô thị để đưa vào đời sống của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.

Thành tựu ấn tượng, vượt bậc

Theo kết quả Báo cáo, đến nay, huyện có 89.273/92.954 = 96% số hộ đạt gia đình văn hóa, 153/155=98,7% số thôn đạt danh hiệu “Làng Văn hóa”, 40/40=100% số tổ dân phố đạt danh hiệu “Tổ dân phố Văn hóa”. Việc bình xét Làng văn hoá, Tổ dân phố văn hoá, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá được triển khai thực hiện theo đúng quy trình… Về quản lý, khai thác các thiết chế văn hoá, huyện đã tổ chức lập 81 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các vực dân cư trên địa bàn huyện theo Đề án “Lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh”, trong đó: 59 đồ án quy hoạch đã phê duyệt chiếm 73% tổng số đồ án; 02 đồ án có ý kiến góp ý của Sở quy hoạch kiến trúc đang hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt; 05 đồ án nằm trong quy hoạch phân khu đô thị GNA đang hoàn thiện hồ sơ gửi Sở; 11 đồ án đang tạm dừng triển khai.

0.jpg
Sau Hội nghị, các đại biểu tham dự khảo sát thực tế tại Nhà Văn hoá thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà
6.jpg
Đoàn khảo sát Bộ phận một cửa UBND xã Liên Hà

Tính đến tháng 07/2023, toàn huyện có 153/155 nhà văn hoá thôn, 30/30 nhà văn hoá tổ dân phố đạt chuẩn. Còn lại 02 nhà văn hoá thôn đang được tập trung đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, toàn huyện có 9/24 trung tâm Văn hoá – Thể thao, Nhà văn hoá, Nhà thi đấu cấp xã gồm: Nguyên Khê, Vân Hà, Xuân Nộn, Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Vân Nội, Nam Hồng, Đông Hội đã được đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí 106 tỷ đồng.

Về các điểm sinh hoạt cộng đồng, hiện nay có 141/155 thôn (đạt 91%), 40/40 tổ dân phố có điểm sinh hoạt cộng đồng với 249 điểm sinh hoạt cộng đồng; có 62/155 thôn làng, 04/40 tổ dân phố có 75 công viên mini. Còn 22 thôn làng tại 09 xã chưa có điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên mini; Trong đó, có 04 thôn chưa có quỹ đất để xây dựng các điểm sinh hoạt cộng đồng, công viên mini: Khu tập thể Địa Chất - Mai Lâm; Khu Cầu Lớn – Nam Hồng; thôn Chợ - Uy Nỗ; khu phố Chợ Kim – Xuân Nộn.

2..jpg
Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh tham dự và phát biểu tại Hội nghị toạ đàm

Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đánh giá cao những thành tựu đột phá cùng những kết quả ấn tượng trong lĩnh vực Văn hoá – Thể thao trên địa bàn huyện Đông Anh, đặc biệt là trong quản lý, khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa thể thao, xây dựng các mô hình “Gia đình văn hoá”, “Làng văn hoá”, “Tổ dân phố văn hoá” gắn với phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”. Với những thành công đã đạt được, trong đó có kết quả trong triển khai thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 – 2025”và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, Đông Anh được đánh giá là điểm sáng nổi bật của Hà Nội trong lĩnh vực Văn hoá - thể thao hiện nay. Thông qua nhiều Hội nghị toạ đàm mà huyện đã triển khai trong suốt thời gian qua và cụ thể là thông qua chương trình hội nghị ngày hôm nay là một mình chứng cụ thể, sinh động nhất cho cách triển khai thực hiện khoa học, sáng tạo, bài bản để đạt được những thành tựu tiên phong, vượt bậc trong nâng cao chất lượng xây dựng mô hình “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” gắn với quản lý, khai thác hiệu quả thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện.

Bên cạnh những lợi thế, thành công, trong khuôn khổ Hội nghị toạ đàm, các đại biểu cũng đề cập tới những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện hoạt động như: Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn, tổ dân phố không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hóa nên chưa phát huy được hiệu quả, hoạt động không đồng đều. Hầu hết các thành viên Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa – Khu thể thao hoạt động theo tinh thần tự nguyện, không được hưởng thù lao theo công việc.

Do đó để tháo gỡ một phần các vướng mắc, các tham luận đề xuất Thành phố ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đảm bảo đồng bộ và thống nhất trong toàn Thành phố. Đề nghị bố trí nguồn kinh phí hàng năm chi cho hoạt động thường xuyên tại Nhà văn hóa thôn, tổ dân phố; kinh phí hỗ trợ Ban chủ nhiệm hoạt động, hưởng thù lao theo công việc.

Theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt, Đông Anh được xác định là đô thị trung tâm văn hiến, văn minh, hiện đại, đô thị kiểu mẫu phía Bắc sông Hồng; là trung tâm tài chính, văn hoá lớn của Hà Nội và cả nước. Trong nhiều năm qua, sự nghiệp văn hoá luôn được Huyện quan tâm đầu tư đồng bộ hiệu quả, đã góp phần tích cực vào sự phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Huyện./.

Ly Ly