Sân khấu

“Vì nghĩa nước non” tái hiện quãng đời đặc biệt của An Tư công chúa

Mai Chi 15:56 24/07/2023

Vở cải lương “Vì nghĩa nước non” do Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng, vừa ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tác phẩm cải lương đã tái hiện quãng đời đặc biệt của An Tư công chúa.

Vì nghĩa nước non của tác giả Trần Hồng Vân, chuyển thể cải lương NSƯT Ngọc Chi, NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Đại diện Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, Vì nghĩa nước non là dự án quan trọng thứ hai của đơn vị đến với khán giả trong năm nay sau tác phẩm kịch kinh điển thế giới Mê Đê do NSƯT Lê Chức dàn dựng.

361191696_678219027683346_1243494005086167981_n.jpg
Nghệ sĩ Thùy Dung trong vai công chúa An Tư. (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam).

NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết, Vì nghĩa nước non tập trung khai thác giai đoạn đặc biệt trong cuộc đời công chúa An Tư (em của vua Trần Thánh Tông và là cô ruột vua Trần Nhân Tông) khi đã chấp nhận gạt tình riêng, hy sinh bản thân, trở thành “cống vật” và làm thiếp của tướng giặc Thoát Hoan, nhằm kìm hãm quân giặc, cứu đất nước trong lúc gian nguy.

Ngược dòng lịch sử, vào khoảng đầu năm Ất Dậu (1285), bấy giờ quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai, giặc đã tiến tới Gia Lâm (nay là huyện Gia Lâm, Hà Nội) vây hãm thành Thăng Long. Chiến sự buổi đầu bất lợi cho quân ta, thủy quân của giặc đã bao vây suýt bắt được thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông, tướng Trần Bình Trọng đã hy sinh anh dũng bên bờ sông Thiên Mạc với tinh thần bất khuất: “Thà làm quỷ nước Nam, còn hơn làm vua đất Bắc”.

359828826_678218967683352_238856180153140769_n.jpg
Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy” (Ảnh: Nhà hát Cải lương Việt Nam).

Thượng hoàng Trần Thánh Tông phải bất đắc dĩ dùng đến kế mỹ nhân, vua đau lòng dâng em gái út của mình cho tướng giặc là Thoát Hoan để cầu hòa chờ cơ hội phản công. Trong sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép lại: “Sai người đưa công chúa An Tư đến cho Thoát Hoan là có ý làm giảm bớt tai họa cho nước vậy”.

Vì nước, vì dân, công chúa An Tư tuy còn rất trẻ đã từ bỏ cuộc sống nhung lụa trong cung đình, hy sinh thân gái để gánh vác vận mệnh của giang sơn. Công chúa An Tư sang trại giặc không phải với tư cách đi lấy chồng mà là “cống vật”, đồng thời là một người nội gián. An Tư công chúa thực hiện kế hoãn binh, tạo thời cơ cho hai vua Trần củng cố lực lượng rồi phản công đánh bại quân thù. Nàng đã hóa thành ngọn lửa sống dẫn đường cho quân nhà Trần biết chỗ ở của Thoát Hoan, khiến cho hắn phải chui vào ống đồng chạy tháo thân. Theo căn cứ sử liệu, sự kiện này diễn ra sau khi Thoát Hoan chỉ huy quân Nguyên tràn vào xâm lược Đại Việt lần thứ hai, tháng Giêng năm 1285.

355677202_664777409027508_3565938065840502353_n.jpg

Vở cải lương Vì nghĩa nước non không chỉ tái hiện những tình tiết lịch sử mà còn thể hiện được lòng yêu nước và sự hy sinh của công chúa An Tư. Nàng đã khép lại tình riêng dâng trọn cuộc đời mình cho sơn hà xã tắc .

Ngoài tái hiện quãng đời đặc biệt của An Tư công chúa, Vì nghĩa nước non mang đến cho khán giả một hành trình cảm xúc khi sân khấu được thiết kế là chiếc Phượng bào, khi thì thể hiện tấm trinh tiết bị xé bỏ, khi lại thành con thuyền, lúc lại là ngọn lửa cháy rừng rực. Tất cả kết hợp với diễn xuất, âm nhạc và ánh sáng cùng lúc tác động mạnh vào cảm xúc của người xem.

361639957_679518204220095_1583254141138886108_n.jpg
Sân khấu vở diễn được thiết kế đầy tính sáng tạo, góp phần tác động mạnh vào cảm xúc của người xem.

Tham gia diễn xuất trong vở cải lương này có nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu thích: NSƯT Mạnh Hùng (vai Thoát Hoan); NSƯT Hồng Hạnh (vai Cốt Đãi Tam); NSƯT Thiên Hoa (vai Chiêu Phi); các nghệ sĩ Lê Trung Tuấn (vai Trần Thông), Vũ Long (vai Trần Nhân Tông), Trần Cường (vai Trần Quốc Toản), Ngọc Linh (vai Thị Nữ)...

Đặc biệt, nghệ sĩ Thùy Dung trong vai công chúa An Tư với tạo hình đẹp, gương mặt khả ái và giọng hát mượt mà, ngọt ngào, diễn xuất nhập tâm đã chinh phục những khán giả khó tính nhất./.

Mai Chi