Chính sách & Quản lý

Phục hồi điện Kiến Trung trong Hoàng thành Huế

Văn Thiện 11:34 24/07/2023

Điện Kiến Trung là nơi làm việc và sinh hoạt của hai vị vua cuối triều Nguyễn là Khải Định và Bảo Đại. Công trình được xây dựng trong giai đoạn 1921-1923 dưới thời vua Khải Định.

cccccc.jpg

Đến năm 1932, vua Bảo Đại cho cải tạo lại nội thất của ngôi điện và lắp đặt thêm nhiều tiện nghi của phương Tây. Năm 1947, do chiến tranh tàn phá, ngôi điện này đã bị phá hủy hoàn toàn chỉ còn nền móng.

Dự án Tu bổ, tôn tạo và phục hồi Điện Kiến Trung được khởi công từ năm 2019, với kinh phí gần 124 tỉ đồng, tập trung trùng tu, tôn tạo các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích điện Kiến Trung như tường bao nền, hệ thống lan can, tu bổ lầu Kiến Trung 2 tầng, chiều cao khoảng 14 m, diện tích xây dựng khoảng 975 m2;

Các công trình nhỏ xung quanh như: đôn gạch, đài phun nước, súng thần công, nhà canh; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cây xanh; bảo tồn nền móng Đông Cung Lâu, Ngự Thư Phòng, Võ Hộ Giá Phòng và Ngự Phê Phòng.

Đến nay, công trình đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính và phần ngoại thất; đội ngũ thi công đang tiến hành hoàn thiện và trang trí nội thất, đảm bảo chất lượng và tiến độ của dự án.

Theo các chuyên gia về kiến trúc, Điện Kiến Trung là công trình có nghệ thuật kiến trúc độc đáo và đặc sắc với đầy đủ những đặc điểm của một công trình phong cách Đông Dương với sự kết hợp giữa Á và Âu.

Trên hình khối bố cục đậm chất Âu châu, Điện Kiến Trung được tô điểm bởi các chi tiết trang trí hoa văn, họa tiết, con giống mang đậm bản sắc của họa tiết cung đình, tạo nên xu hướng thẩm mỹ đặc trưng. Đây chính là phong cách kiến trúc Đông Dương do người Việt Nam sáng tạo.

Qua 30 năm, từ khi được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới (1993), Quần thể Di tích Cố đô Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. /.

Văn Thiện