Chuyển động Hà Nội

Mô hình chính quyền đô thị hiện nay ở Hà Nội là phù hợp

Kim Thoa (T/h) 19/07/2023 19:31

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

thu-tuong20230719125535.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính khai mạc phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023

Ngày 19/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo, sơ kết công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2023 và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, vừa qua, Hà Nội đã tổ chức sơ kết 6 tháng công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, triển khai Đề án 06 trực tuyến tới xã, phường. Các bộ, ngành đều rất quan tâm đến Hà Nội. Hội nghị đã thành công với việc đánh giá những việc làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm để cụ thể hóa, triển khai ngay các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

u1b.jpg
Các đại biểu dự tại điểm cầu Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội báo cáo thêm, thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ, Hà Nội đã triển khai chính quyền đô thị với việc bỏ HĐND cấp phường. Việc này cần phải tổng kết để có sự đồng bộ cũng như mô hình tốt nhất cho Hà Nội.

Hà Nội đã tổng kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 97 của Quốc hội, Nghị định 32 của Chính phủ để luật hóa các lĩnh vực trong Luật Thủ đô để trình Thủ tướng, Quốc hội xem xét trong tháng 10/2023. Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã họp, đánh giá, tổng kết và khẳng định mô hình đang áp dụng hiện nay là phù hợp với trình độ phát triển, quy mô dân số, hợp lý về khoa học tổ chức.

“Bỏ HĐND cấp phường giúp chính quyền phường chủ động hơn rất nhiều; Giảm bớt thủ tục quy trình, quan hệ công việc, giúp nhanh hơn trong xử lý công việc khi trực tiếp quản trị. Ở cấp phường khi bỏ HĐND vẫn phát huy được vai trò giám sát của người dân bởi Hà Nội đã được tăng số lượng đại biểu HĐND cấp quận, trực tiếp giám sát hoạt động của chính quyền phường. Bên cạnh đó, việc đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với Chủ tịch UBND phường do HĐND quận thực hiện là phù hợp” - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng dẫn chứng, khi triển khai các biện pháp chống dịch, phòng dịch, dù bỏ HĐND cấp phường, nhưng hệ thống chính trị vẫn hoạt động tốt; mọi quyết định, công việc thường xuyên đột xuất được xử lý kịp thời.

Từ đó, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, đây là mô hình phù hợp, giữ được các nguyên tắc về tổ chức Nhà nước Pháp quyền.

Với những vấn đề vướng mắc, Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, thực hiện chính quyền đô thị, UBND quận, phường là đơn vị dự toán ngân sách và khẳng định về mặt kỹ thuật có thể xử lý được.

Về biên chế, Chủ tịch UBND Thành phố nêu con số, bình quân dân số mỗi phường là 25.000 người (bình quân tiêu chuẩn là 15.000 người), có phường có số dân hơn 100.000 người… nhưng biên chế rất ít. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội kiến nghị: “Mong Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm thêm biên chế cho các phường”.

Quan tâm tới các vấn đề của Thủ đô, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết ấn tượng với việc phân cấp của Hà Nội và cho rằng, đây là cách làm có thể nhân rộng trên phạm vi cả nước./.

Kim Thoa (T/h)