Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình Thượng Khê Tang (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 18/07/2023 14:44

Đình Thượng Khê Tang thuộc địa phận xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

dinh-thuong-khe-tang.jpg
Đình Thượng Khê Tang

Đình Thượng Khê Tang toạ lạc ở xóm Thượng, cách đình Hạ khoảng 500m gần ngôi chùa cổ kính của làng.

Đình quay hướng tây, phía trước là hồ nước cùng những hàng cây cổ thụ tạo nên không gian linh thiêng. Ngay hồ nước là bức bình phong hình cuốn thư đắp đôi rồng chầu, phượng hàm thư và 5 con dơi tượng trưng cho ngũ phúc. Cổng đình làm theo kiểu ngũ môn với 5 lối đi chính, ở giữa là hai trụ lớn đắp khối tượng, trên đỉnh đặt đôi nghê mang ý nghĩa kiểm soát tâm linh. Hai bên cửa phụ làm giả 2 tầng 8 mái với trụ nhỏ đắp hình lá lật. Giáp với 2 cửa phụ nối là dãy Tả hữu mạc xây kiểu tường hồi bít đốc lợp ngói ri. Các bộ vì ở đây làm theo kiểu “chồng rường”.

Phương đình là một ngôi nhà vuông, chiếm hầu hết sân đình. Ngôi nhà này làm theo kiểu 2 tầng 8 mái gắn với yếu tố Dịch học. Bộ mái trên không có hệ thống “vỉ ruồi” nên 4 mái bằng nhau, chỉ có 4 kẻ chạm đầu vào đình. Kiểu thức này ảnh hưởng của Trung Hoa vào cuối thế kỷ XX. Toà Phương đình có bộ đồ rước lọng, bát bửu, nhang án.

Đại bái là một ngôi nhà khá đồ sộ, có kết cấu 3 gian 2 chái. Các bộ vì được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” mang đậm dấu ấn thời Lê, niên hiệu Chính Hoà. Đây là dạng kiến trúc vừa có kẻ vừa có bẩy. Tại những bức cốn, đầu dư chạm khắc hình đầu rồng và những linh thú với những đao mác thời Lê. Đáng chú ý là bức cửa võng ở gian giữa, trang trí muộn hơn lúc khởi dựng ngôi đình, song cũng mang đậm dấu ấn nghệ thuật điêu khắc cuối thế kỷ XVII đầu XVIII. Rồng chạm ở đây với hình đuôi bút lông, phượng như đang tung bay nhảy múa.

Hậu cung là một công trình mới được tạo dựng vào đầu thế kỷ trước, tạo nên kiến trúc chữ đinh. Các bộ vì làm theo kiểu “vì kèo quá giang”, chủ yếu bào trơn, đóng bén, thiên về độ bền chắc.

Cũng như đình Hạ, đình Thượng thờ đức Thánh Trần tức Trần Quốc Tuấn (1232 - 1300) và đức Trần Thông. Hai vị đều có công trong cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược nước ta ở thế kỷ XIII.

Với những giá trị tiêu biểu như trên, đình Hạ, đình Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1986./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)