Hà Nội khẩn trương ứng phó bão số 1
Do ảnh hưởng của bão Talim (cơn bão số 1 năm 2023), từ đêm mai (17/7) đến ngày 20/7, thành phố Hà Nội mưa vừa, mưa to đến rất to kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh… Cơ quan phòng, chống thiên tai chỉ đạo sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai phương án ứng phó.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, 4h sáng nay (17/7), bão số 1 cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 340km về phía Đông Đông Nam; sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong khoảng chiều nay, bão số 1 sẽ gây gió mạnh trên Vịnh Bắc Bộ, sau đó tiếp tục ảnh hưởng đến vùng biển ven bờ và đất liền ven biển Bắc Bộ. Hoàn lưu bão có thể gây mưa lớn kéo dài, nhất là tại khu vực phía Đông Bắc Bộ và Đồng bằng sông Hồng (bao gồm cả Thủ đô Hà Nội).
Từ đêm 17 đến ngày 20/7, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm, có nơi cao hơn 500mm. Các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi cao hơn 300mm. Các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.
Còn tại thành phố Hà Nội, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ dự báo, từ đêm nay đến ngày 20-7 có mưa, mưa vừa, sau có mưa to đến rất to và dông; lượng mưa tại khu vực trung tâm và phía Bắc thành phố 180-280mm, có nơi cao hơn 300mm, phía Tây và phía Nam 150-250mm, có nơi cao hơn 250mm. Các đơn vị, địa phương của Hà Nội cần đề phòng nguy cơ xảy ra ngập úng các khu đô thị, vùng trũng thấp...
Trước dự báo trên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội Nguyễn Xuân Đại đã ký ban hành Công điện số 02-CĐ-BCH hồi 22h18 ngày 16/7 đề nghị các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 1 và các ảnh hưởng sau bão, chiều tối 16-7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết và ảnh hưởng của cơn bão để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, ứng phó với các tình huống bất lợi có thể xảy ra;
Sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai, sự cố; đặc biệt là công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ”, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân dân kịp thời, hiệu quả; tổ chức kiểm tra bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, công trình tiêu thoát nước trên địa bàn.
Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội sẵn sàng phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là khu vực nội thành. Các công ty thủy lợi chủ động phương án vận hành linh hoạt hệ thống công trình thủy lợi để tiêu nước đệm, đặc biệt là khu vực sản xuất nông nghiệp, các khu vực trũng thấp.
Công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội tổ chức cắt tỉa cành cây, chằng chống, chuẩn bị lực lượng ứng trực, kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn.
Tổng công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị có liên quan bảo đảm phương án cấp điện phục vụ tiêu úng chống ngập và sản xuất, sinh hoạt của nhân dân…
Đại diện Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Hà Nội cho biết, hiện, 30/30 quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành của TP đã hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn nói chung; có thể áp dụng vào thực tiễn để ứng phó những ảnh hưởng có thể xảy ra trong bão số 1.
Được biết, các quận, huyện, thị xã và sở, ban ngành của TP cũng đã tổ chức hiệp đồng sử dụng lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với các đơn vị quân đội, công an. Theo đó, tổng quân số dự kiến có thể được huy động là hơn 10.000 người và 299 phương tiện, sẵn sàng ứng phó sự cố, thiên tai trong năm 2023./.