Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình, miếu Thiên Đông (huyện Thanh Oai)

Sơn Dương (t/h) 16/07/2023 11:30

Đình, miếu Thiên Đông thuộc địa phận xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

dinh-mieu-thien-dong.jpg
Đình Thiên Đông

Đình, miếu Thiên Đông được khởi dựng vào thời Nguyễn. Đình Thiên Đông kết cấu theo kiểu chữ nhất gồm 5 gian 2 chái. Các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng” kết hợp với kiểu “chồng rường”. Trên lưng câu đầu có đấu dép kê đệm. Các nghệ nhân xưa khi tạo tác các bộ vì đã trang trí nhiều hoạ tiết hoa lá cách điệu mang giá trị nghệ thuật cao, các bức cốn còn khá nguyên vẹn, chạm khắc đề tài theo tích tứ linh, tứ quý và những cây lá thiêng.

Miếu Thiên Đông có niên đại cổ hơn ngôi đình, được khởi dựng từ thời Lê, trên doi đất phía tây nam của làng. Miếu Thiên Đông đã trải qua nhiều lần trùng tu, lần cuối vào triều Nguyễn, niên hiệu Tự Đức thứ 10 (1857) khiến cho hạng mục kiến trúc kết cấu theo kiểu chữ định gồm Đại bái và Hậu cung. Đại bái gồm 3 gian 2 chái, đầu đạo lá mái, bờ nóc có đường gờ đắp nổi đầu rồng riêng biệt. Toà Hậu cung cũng được chạm khắc và trang trí đề tài tứ linh. Hậu cung được tu sửa vào triều Nguyễn, niên hiệu Thành Thái (1889 - 1907).

Đình, miếu Thiên Đông thờ Nguyễn Đông Hải đại vương, là một vị khoa bảng triều Lê Nhân Tông (1442 - 1459). Sử sách còn ghi, ông là một vị tướng tài chỉ huy đoàn quân tải lương trong đợt chinh phạt quân Chiêm Thành đánh phá biên giới phía nam nước ta. Trong khi tải lương, vì sóng to gió lớn lên chậm thời gian chuyển lương, vì thế ông đã bị vua trách phạt. Sau khi ông hoá, hiểu rõ được nội tình nên nhà vua đã minh oan cho ông và phong tặng ông là vị thần cai quản biển Đông, trợ giúp những người dân lành trong chiến trận.

Đình, miếu Thiên Đông đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Sơn Dương (t/h)