Văn chỉ Thế Trụ (huyện Quốc Oai)
Văn chỉ của làng được gọi theo tên làng Thế Trụ, nay thuộc xã Nghĩa Hương, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Thế Trụ vốn là ấp Hoa Trụ, trang Nghĩa Bang, thời Lê, thuộc tổng Thạch Thán, huyện Yên Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây, thời Nguyễn đổi là tỉnh Sơn Tây, sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.
Văn chỉ Thế Trụ nằm sát đình làng, bên cạnh trục đường chính liên xã, cách trung tâm Hà Nội chừng 25km về phía tây. Từ Hà Nội theo đường cao tốc Láng - Hoà lạc đến thị trấn Quốc Oai, qua hiệu sách nhân dân thị trấn, rẽ tay trái vào đường đi Thạch Thán chừng 4km là tới di tích.
Văn chỉ có cấu trúc hình chữ “đinh”, gồm toà Đại bái và Hậu cung. Đại bái dài 9,8m, rộng 6,50m gồm ba gian với lối kiến trúc theo kiểu giá chiêng kẻ bẩy. Xung quanh được xây kín bằng hai vế câu đối chữ Hán. Trong nhà Đại bái có một số đại tự và câu đối như “Tư văn tổ” (ông tổ tư văn), “Trạng nguyên từ” (đền Trạng nguyên). Như vậy, văn chỉ này vừa là nơi thờ các bậc tiên hiền của làng, vừa thờ trạng nguyên Nguyễn Trực, người từng làm rạng danh xóm làng, đất nước. Một bài thơ khắc trên biển gỗ ở gian giữa Đại bái đã nói rõ điều này:
Bối Khê chung tú
Sài Nhạc giáng thần
Lưỡng quốc khôi giúp
Tam triều hiền nhân
Hương hiền tại vọng
Quốc sủng trọng tân
Ức niên phụng tự
Vĩnh thọ tư dân
Nghĩa là:
Bối Khê đất đẹp
Núi Sài giáng thần
Trạng nguyên hai nước
Hiển thánh ba triều
Thờ cùng tiền bối
Nghi thức như xưa
Muôn năm phụng thờ
Cùng với dân làng.
Toà Hậu cung gồm một gian nối vào phía sau gian giữa nhà Đại bái. Phía trước Hậu cung có một bức cốn lớn chạm hai rồng chầu mặt nguyệt, phía sau cùng đặt hai bài vị, một của Nguyễn Trực, một của tiên hiền. Bài vị được sơn son thếp vàng, phía trên chạm hai rồng chầu mặt nguyệt, hai bên chạm hai chim phượng, dưới bệ chạm hổ phù. Những đề án này biểu tượng đầy quyền quý và trang trọng mà người xưa thường dùng ở nơi đền miếu thâm nghiêm.
Văn chỉ được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn, song vẫn còn một số dấu tích kiến trúc thời Lê như một mảng chạm hình rồng đuôi mập, mang phong cách thế kỷ XVIII, và một bia đá cho biết văn chỉ được dựng vào cuối thời Lê, năm Cảnh Hưng 31 (1770).
Như bức đại tự vừa nêu trên, thì văn chỉ này gần như một ngôi đền thờ Nguyễn Trực. Nguyễn Trực vốn người làng Bối Khê, huyện thanh Oai. Cụ tổ của ông huý là Hữu, sống ở thời Trần giữ chức Hàn lâm thị giảng, ông nội huý là Bính, chức Huân đạo. Bố là Nguyễn Thì Trung. Khi nhà Hồ lấy ngôi nhà Trần, Thì Trung bỏ về ở thôn Tiểu Động Mộng, xã Nghĩa Bang. Khi Thái Tông thu phục được giang sơn, các hào kiệt văn sĩ đều được ba chức tước, riêng Thì Trung không chịu ra nhận. Thái Tông lên ngôi, biết ông là người tài, đã cho chiếu mời về kinh giao cho chức Thư khố ở Quốc Tử Giám, rồi Giáo thụ. Sau đó ông cáo quan về dạy học. Ông lấy vợ người họ Đỗ, quê ở Nghĩa Bang (nay là xã Nghĩa Hương), sinh Nguyễn Trực ngày 16 tháng 5 năm Đinh Dậu (1417) tại am núi Sài Sơn. Từ nhỏ Nguyễn Trực đã rất thông minh, trong các kỳ thi thường đỗ nhất, nhì, ba. Năm 26 tuổi, ông thi Hội (1442), đỗ đệ nhất Tiến sĩ (Trạng nguyên). Ông làm quan dưới triều Lê Nhân Tông (1443-1459), đến chức Hàn lâm viện, Thắng an phủ sứ Nam Sách, rồi Thị giảng, Trung thư thị lang. Năm 1444, ông nhận được lệnh đi sứ ở Trung Quốc, ông dự thi, cũng lại đỗ đầu trong số thí sinh nhà Minh. Vì vậy, ông được gọi là Lưỡng quốc trạng nguyên. Năm 1452, nhân có đại tang, ông xin về quê làm thuốc, dạy học. Học trò của ông rất đông và rất nhiều người thành đạt như Hoàng giáp Kiều Phú. Mãn tang, ông lại được vời vào Kinh để tiếp sứ giả nhà Minh. Dưới đời vua Lê Thánh Tông, ông vẫn được trọng dụng. Ngày 28 tháng 12 năm 1473, ông lâm bệnh qua đời ở tuổi 57 trong lúc tài năng đang rực rỡ.
Nguyễn Trực không chỉ là bậc tiên hiền của làng Thế Trụ mà còn là một trong những tiên hiền của đất nước. Vì vậy, văn chỉ thờ ông, từng được triều đình liệt vào “quốc lễ” (nghi thức lễ quốc gia). Văn chỉ này là niềm tự hào của dân làng Thế Trụ và cũng là một danh thắng của đất nước.
Văn chỉ Thế Trụ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá theo Quyết định số 65/VH-QĐ ngày 16/01/1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02